Phố đi bộ quanh hồ Gươm: Đã có sự đồng thuận

ANTĐ - Tổ chức đi bộ trên 10 tuyến phố khu vực hồ Gươm bao gồm Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay và Tràng Tiền về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận của dân cư sinh sống trong khu vực. Dự kiến bắt đầu từ ngày 1-1-2012 việc này sẽ triển khai.

Thời gian áp dụng phố đi bộ sẽ bắt đầu từ 6h và kết thúc vào 22h

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc tạo các tuyến phố đi bộ khu vực hồ Gươm nhằm bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể kết hợp với phát triển du lịch, thương mại, tạo nét đẹp về văn hóa và văn minh đô thị đặc trưng của Thủ đô. Tại đề án thí điểm tuyến phố đi bộ lần này, ông Hùng cho rằng ngành GTVT đã nghiên cứu sâu về tổ chức giao thông, tính toán bố trí chỗ đỗ xe, bố trí điều chỉnh các tuyến xe buýt vào các ngày triển khai phố đi bộ và đưa ra các cơ chế, chính sách quản lý, vận hành tuyến phố đi bộ phù hợp với thực tế.

Theo đề án mà Sở GTVT đưa ra, thời gian áp dụng phố đi bộ sẽ bắt đầu từ 6h sáng thứ 7 và kết thúc vào 22h tối chủ nhật. Khi triển khai phố đi bộ, sẽ không cho tổ chức kinh doanh dưới lòng đường, trong phạm vi các phố đi bộ, chỉ cho phép xe điện hoạt động để phục vụ khách du lịch. Các xe công vụ, xe đưa đón học sinh… sẽ được cấp phù hiệu để đi vào các tuyến phố trên, song tốc độ không quá 15km/h. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ tổ chức lại giao thông tại các nút giao trong khu vực đi bộ. Người dân trong khu vực 10 tuyến phố đi bộ sẽ được cấp phù hiệu riêng để dắt xe vào nhà hoặc gửi xe tại các bãi xe do Sở GTVT và quận Hoàn Kiếm bố trí. Ô tô chở khách du lịch sẽ đón trả khách ở Trần Quang Khải hoặc trước cửa Nhà hát Lớn sau đó, hành khách đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện; các tuyến xe buýt có lộ trình tuyến đi qua khu vực hồ Gươm sẽ được điều chỉnh tại khu vực tuyến phố lân cận.

Theo đó, Sở GTVT thực hiện phân luồng xe khi tiếp cận khu vực phố đi bộ như sau, tất cả các xe từ phía Đông Nam tới sẽ theo đường Ngô Quyền - Hàng Vôi đi vào; xe theo hướng Nam vào sẽ đi qua Phùng Hưng- Bát Đàn - Hàng Bồ; trục Đông Tây sẽ cho thông. Trả lời thắc mắc về việc, chỗ gửi xe cho du khách đến mua sắm, tham quan trong khu vực phố đi bộ, ông Hùng cho rằng, các điểm đỗ xe mục tiêu đầu tiên là phục vụ cho người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng, chỉ đáp ứng một phần cho khách ở khu vực khác đến, còn lại, người dân sẽ phải lựa chọn loại phương tiện thích hợp để di chuyển vào khu vực này.

Về tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch trong phố đi bộ, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu tạo cảnh quan về cây xanh, hoa và đèn chiếu sáng cho sinh động, đặc trưng khu vực bờ Hồ. Sở VH-TT&DL sẽ xem xét mời gọi các hoạt động nghệ thuật ngoài trời như ảo thuật đường phố, hát xoan, múa rối, các trò chơi dân gian. “Du khách không chỉ đi tham quan, mua sắm mà còn tham gia vào các hoạt động, trò chơi trong khu phố đi bộ”, ông Dũng đề xuất. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, nên áp dụng tất cả các ngày trong tuần, không nên hạn chế 2 ngày cuối tuần.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng, không gian đi bộ trong khu vực phố cổ là cần thiết. Từ thí điểm trên 10 tuyến phố này, nên nhân rộng tổ chức trong tất cả khu vực phố cổ, như vậy mới tạo thành vòng hoàn chỉnh. “Việc tổ chức phố đi bộ có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, du lịch, tạo nên những nét đặc trưng riêng của Thủ đô. Sở GTVT và quận Hoàn Kiếm sẽ báo cáo lên UBND TP để sớm đưa vào thực hiện”, ông Khôi cho biết. Theo đó, các Sở, ngành và quận Hoàn Kiếm đều thống nhất thực hiện từ ngày 1-1-2012. Tuy nhiên, đại diện quận Hoàn Kiếm đề nghị, nên thực hiện từ 19h tối thứ 6, đến 22h tối chủ nhật.

“Trong 2 ngày tổ chức phố đi bộ, các hộ dân sinh sống trong 10 tuyến phố đi bộ sẽ phải mất phí gửi xe ở các bãi gửi xe theo sắp xếp của Sở GTVT. Tuy nhiên, đây là quan điểm của Sở GTVT. Mức phí cụ thể sẽ do UBND TP quyết định”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó  Giám đốc Sở GTVT cho biết.