Phố cổ trên cao nguyên Đồng Văn

ANTĐ - Từ thành phố Hà Giang ngược lên cao nguyên Đồng Văn có chiều dài khoảng 160km. Ngồi sau chiếc xe máy 150 phân khối của một tay lái “ lụa” có hạng, tôi vẫn thấy nôn nao, chôn rộn mỗi khi xe vào vòng “cua” lao xuống dốc.

Phố cổ Đồng Văn cổ kính, thăng trầm

Mọi vất vả tiêu tan, đứng trên Cổng trời Quảng Bạ “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”, với những cánh rừng thông đại ngàn xanh tít tắp, với những ruộng bậc thang thóc chín vàng đẹp như một bức tranh, với những con dốc uốn lượn như một dải lụa, đâu đó tiếng suối róc rách, trầm hùng hòa quyện với muôn ngàn âm thanh của tiếng chim hót, tạo nên một bản đại hợp xướng làm mê đắm lòng người.

Và một ấn tượng độc đáo, chỉ Hà Giang mới có, khi đặt chân lên cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi được chiêm ngưỡng biển đá tai mèo nhọn hoắt cheo leo, chênh vênh ở độ cao trung bình 1.600m so với mực nước biển. Màu xanh ngắt của đá xen lẫn màu xanh của những ruộng ngô. Ngô trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra bắp. Đá tai mèo gắn bó với số phận con người. Người ta bảo rằng, một đứa trẻ sinh ra, lớn lên trên cao nguyên Đồng Văn có khi cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá mênh mông của quê hương mình.

Qua cao nguyên đá, thị trấn Đồng Văn hiện ra trước mắt chúng tôi trong ráng chiều nhạt nhạt của bao la mây núi bảng lảng như sơn nữ quyến rũ chìm đắm trong giấc mộng đẹp, nép mình giữa trùng điệp đá. Dấu ấn sâu lắng khi về thăm thị trấn trên cao nguyên đá này là phố cổ, nhà cổ và chợ cổ. Phố cổ Đồng Văn cổ kính, thâm trầm, có hình vòng cung kéo dài trên một cây số về phiá chân núi. Khu phố cổ gồm khu chợ cổ và hai xóm Quyết Tiến, Đồng Tâm với khoảng 40 hộ dân, trước đây có 70 nóc nhà cổ, nay chỉ còn lại 40 ngôi nhà gần 100 năm tuổi.

Kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ miền sơn cước nằm ở vùng biên cương cực Bắc đất nứớc Việt Nam là sự giao thoa văn hóa của nhiều sắc tộc - văn hóa truyền thống của dân bản địa của người Mông, Dao, Lô Lô… với văn hóa cư dân Hoa Nam (Trung Quốc). Các ngôi nhà thường có kiến trúc theo kiểu chữ Tam (ba ngôi nhà nối tiếp nhau, lối đi từ nhà nọ sang nhà kia có mái che tránh mưa nắng) và đều quay về hướng nam nên mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Bàn thờ tổ tiên thường ở gác hai, quanh nhà, trên các cửa sổ có nhiều lon bia cắm đầy hương, theo tín ngưỡng dân gian ở đây là để cúng các cô hồn vật vờ ngăn cho chúng không quấy nhiễu gia chủ.

Chợ Đồng Văn là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc. Đến phiên chợ, các thiếu nữ Mông, Pu Péo, Lô Lô… xúng xính trong những bộ trang phục lung linh sắc màu thổ cẩm dân tộc, từ các bản làng xuống chơi chợ mua sắm, gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hóa, thưởng thức bát thắng cố nóng bỏng, uống rượu ngô, cùng trò chuyện càng làm cho khu chợ có nét văn hóa đặc sắc.

Đêm Hội phố cổ được tổ chức vào đêm trăng tròn 14 - 15 âm lịch hàng tháng. Trước cửa mọi nhà đều treo đèn lồng đỏ, bày bán các sản vật địa phương, biểu diễn văn nghệ, múa khèn. Biết bao đôi lứa gặp nhau trong đêm hội đã nên vợ nên chồng.