Phố cổ Batavia - nơi SEA Games chưa gõ cửa

ANTĐ - Chúng tôi có mặt ở phố cổ Batavia - Kota Tua trong một buổi sáng Jakarta oi bức. Giống như các khu phố cổ của Hà Nội, Batavia là sự tổng hòa giữa những nét cổ kính và sự phát triển của đô thị hiện đại. Chỉ có điều khác ở Batavia, nơi đây không có những cửa hàng buôn bán sầm uất như thường thấy ở Hà Nội mà tập trung những người lao động nghèo. Chỉ dạo một vòng quanh đây, chúng tôi được cảm nhận một Jakarta hoàn toàn khác, một Jakarta không biết đến SEA Games.

Dịch vụ cho thuê xe đạp tại Batavia

Nằm ở khu vực phía Tây Bắc Jakarta, Batavia có diện tích khoảng 1,3km2 và được đặt tên bởi người Hà Lan từ thế kỷ thứ 16. Nơi đây, theo kể lại đã từng là trung tâm kinh tế, giao thương của Indonesia thời bấy giờ. Lịch sử ghi vào năm 1526, Vương quốc Hồi giáo Demak đã xâm chiếm cảng Sunda Kelapa của Vương quốc Hindu Sunda rồi đổi tên nơi này thành Jayakarta. Đến năm 1619, người Hà Lan đến và phá hủy Jayakarta rồi đặt tên cho nó là Batavia. Khu vực cảng này được mở rộng vào sâu vùng đất của Jayakarta những năm sau đó. Batavia được hoàn thiện vào năm 1650, tồn tại cho tới năm 1942, trước khi người Nhật xâm chiếm và đổi tên thành Jakarta. Cái tên này được giữ nguyên cho tới bây giờ.

Bước vào khu phố cổ Batavia, có thể dễ dàng nhận thấy đây là nơi sinh sống của những người có thu nhập thấp tại Jakarta. Không giống như trung tâm Thủ đô với những tòa nhà cao tầng tráng lệ, Batavia là dãy dài những tòa nhà cổ mang đậm kiến trúc Hà Lan đã xuống cấp, phụ họa cho nó căn nhà xập xệ, cũ kỹ mang đậm dấu ấn của người bản địa. Tại đây, taxi và xe buýt chất lượng cao không còn được nhìn thấy nhiều nữa mà áp đảo về số lượng là những chiếc xe khách cỡ nhỏ, sắp đến tuổi... về hưu. Có lẽ vì thu nhập của người dân sống tại đây không cao nên các dịch vụ giá rẻ luôn chiếm được ưu thế. Không còn những cửa hàng KFC, Burger King, McDonald... mà thay vào đó là những xe mỳ đẩy Baso, một món ăn yêu thích của người dân lao động Indonesia. Có vẻ như vì lý do đó mà chúng tôi cảm giác sự thân thiện không được bằng những khu vực khác ở Jakarta. Khi chúng tôi chụp ảnh, họ tỏ ra không thoải mái lắm và nói gì đó bằng tiếng bản địa.

Trong cuộc sống bận rộn, người dân tại Kota Tua luôn tranh thủ ngồi ăn trưa trên vỉa hè các con phố. Bữa ăn của họ diễn ra rất chóng vánh giữa những ngổn ngang hàng hóa và trong tiếng xe tấp nập qua lại. Bên kia đường Batavia là khu phố người Hoa. Cách bài trí và không khí tại đây rất giống như những khu chợ của Hà Nội. Từ những gian hàng điện tử, những sạp bánh mứt, kẹo và kể cả cách họ nói chuyện với nhau cho ta cảm giác như đang lạc trong một góc nào đó của chợ Đồng Xuân. Chỉ trong vòng chưa đầy chục bước chân, chúng tôi nghe được tiếng Bahasa Indonesia của những người mua bán; tiếng Hoa của những bà chủ ngồi tán gẫu với nhau và cả tiếng Anh mời chào khách du lịch dừng lại mua hàng. Do đây cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch, nên các dịch vụ ăn theo cũng đua nhau mọc lên như cho thuê xe đạp, xe máy; các gánh hàng lưu niệm, quần áo... Giá mà họ đưa ra cũng chẳng hề thấp, tuy nhiên khách du lịch có thể mặc cả để “vừa mua, thuận bán”.

Đặc biệt, thu hút chúng tôi là những người “pelukis portret”, tạm dịch là những họa sỹ vẽ tranh chân dung. Các “pelukis portret” cũng giống như  những họa sỹ truyền thần trên phố Hàng Đào - Hà Nội. Chỉ có điều nếu như ở Hà Nội nghề truyền thần đang dần mai một và đứng trước nguy cơ mất đi một nét văn hóa của người Tràng An thì ở khu phố cổ Batavia này các họa sĩ của đường phố xem ra lại rất nhiều. Trên một đoạn phố dài chưa đầy 100m mà chúng tôi đếm được có tới hơn 30 họa sĩ đang tỷ mẩn, chăm chút, tỉa tót từng nét cho tác phẩm của mình. Suwanto, một họa sỹ tỏ ra khá cởi mở với chúng tôi khi được bắt chuyện. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu vẽ cách đây gần 15 năm, cũng là mới ở đây thôi. Nếu anh đi xuống phía dưới sẽ gặp những họa sỹ già hơn tôi nhiều”. “Thường thì phải mất đến 4 tiếng đồng hồ để hoàn thành một tác phẩm có màu và giá tôi lấy vào khoảng 200.000 rupiah (tương đương 450.000 đồng). Anh có muốn tốc họa không? Tôi sẽ lấy rẻ thôi!” Suwanto nói và trao cho chúng tôi một nụ cười đầy hy vọng.