Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Hà Nội trong công tác phòng cháy, chữa cháy

ANTD.VN - Chiều nay 20-3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung... tiếp và làm việc với Đoàn.

Đánh giá kỹ ưu điểm, tồn tại

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ năm 2014 đến 2018, trên địa bàn TP xảy ra 3.848 vụ cháy và 7 vụ nổ; làm 76 người chết, 97 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá khoảng trên 900 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tham gia cứu nạn cứu hộ 524 vụ; cứu và hướng dẫn thoát nạn rên 800 người..."Thành phố luôn xác định PCCC là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nêu rõ. 

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu, đánh giá cao Thành phố Hà Nội đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong công tác PCCC 

Lực lượng PCCC&CNCH được quan tâm củng cố, kiện toàn về biên chế, tổ chức và hoạt động; phương tiện phục vụ công tác PCCC&CNCH ngày càng được hiện đại hóa, có thể đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, tồn tại về thực trạng hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy còn nhiều bất cập; mật độ dân cư đông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

Toàn thành phố hiện có 3.790 trụ nước, 3.058 bể dự trữ nước, 3.407 nguồn nước tự nhiên, trong khi tuyến đường giao thông chính của TP dài gần 1.000 km, theo quy định cần có 6.000 trụ cấp nước chứa cháy. Mạng lưới Cảnh sát PCCC&CNCH mặc dù đã triển khai thành lập 30 đội Cảnh sát PCCC và 7 Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. 

Bên cạnh đó, công tác điều tra, xử lý vi phạm về PCCC thiếu quyết liệt nên chưa có tác dụng răn đe, một số trường hợp chưa được giải quyết dứt điểm…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp lớn; như đề xuất HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết quy định về quản lý, sử dụng và các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC đối với nhà chung cư, nhà cao tầng; tiếp tục xây dựng Đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng để phát huy phương châm "4 tại chỗ”…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chữa cháy, cứu hộ

Tại buổi làm việc, các  thành viên trong Đoàn giám sát đã nêu, trao đổi một số vấn đề liên quan đến công tác PCCC,  CNCH, và đã được đại diện các sở, ngành chức năng của Thành phố Hà Nội giải đáp trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thay mặt lãnh đạo Thành phố cảm ơn những ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát.

Làm rõ thêm một số vấn đề Đoàn giám sát đưa ra, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, UBND Thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Luật PCCC và các Chỉ thị, kế hoạch, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND trong công tác PCCC; chủ động đầu tư cơ sở vật chất, bố trí trụ sở cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; các dự án về mua sắm trang thiết bị cho công tác PCCC được phân bổ ngân sách cao.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao đổi rõ thêm một số vấn đề  với Đoàn giám sát 

Việc lắp đặt hệ thống PCCC cho các chung cư do Thành phố quản lý dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành. Thành phố rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho lực lượng PCCC cơ sở; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công an cơ sở nếu để xảy ra vi phạm về cháy, nổ...

Để công tác PCCC thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chủ tịch UBND thành phố đã gửi đến Đoàn giám sát một số kiến nghị về việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở ngày càng chính quy; đồng thời có ý kiến bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô để có thể xây dựng cơ chế đặc thù cho công tác PCCC của Hà Nội.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực của Hà Nội trong công tác PCCC, và cho rằng lực lượng PCCC chuyên trách đã làm tốt công tác tham mưu kịp thời các giải pháp PCCC, hạn chế nhiều tổn thất do cháy, nổ.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, gợi mở Thành phố thực hiện những nội dung trọng tâm, như quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 47/CT-TƯ (ngày 25-6-2015) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. "Hà Nội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng thực chất, trọng điểm, sâu rộng đến từng người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền công tác phòng ngừa; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa ngăn chặn tình trạng cháy, nổ", Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nêu rõ.

Trước buổi làm việc với Thành phố, Đoàn Giám sát đã kiểm tra, đánh giá tình hình PCCC tạ một số đơn vị, cơ sở trên địa bàn Hà Nội

Tiếp thu ý kiến kết luận của Trưởng Đoàn giám sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là cơ hội để Thành phố nhìn nhận lại công tác PCCC thời gian qua, phát hiện những tồn tại, những nội dung cần khắc phục. Thành phố ghi nhận, tiếp thu những đóng góp của Đoàn giám sát về các vấn đề quản lý đô thị, trong đó đặc biệt là lĩnh vực PCCC để bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, sau buổi làm việc, Thành phố sẽ hoàn chỉnh báo cáo, bổ sung những nội dung Đoàn giám sát yêu cầu, đồng thời tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCCC.