Phổ cập trong trường học phòng chống đuối nước

ANTĐ - Vụ việc đau lòng gần đây về tai nạn đuối nước là trường hợp 8 trong số 11 nữ sinh trường THCS An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nội thiệt mạng khi rủ nhau bơi ở hồ Tuy Lai khi mới khai giảng năm học mới được vài ngày. Điều khiến các bậc phụ huynh cũng như nhà trường phải suy nghĩ là làm sao để không còn xảy ra những trường hợp đau lòng tương tự. Đây là lý do thúc bách Hà Nội tăng cường hoạt động tiến tới phổ cập kiến thức phòng chống đuối nước trong trường học.

Nhiều người biết bơi nhưng thiếu kỹ năng cứu nạn

Bể bơi trong trường học - mô hình mơ ước

Nhu cầu học bơi đối với học sinh từ bậc tiểu học xuất phát từ thực tế cuộc sống, tuy nhiên chỉ những gia đình có điều kiện mới có thời gian và chi phí cho các khóa học bơi hè tại các bể bơi Hà Nội. Về phía trường học, việc xóa mù bơi, phổ cập phòng chống đuối nước được đặt ra lâu nay nhưng gặp nhiều khó khăn về điều kiện triển khai, trong đó vấn đề lớn nhất là không đủ bể bơi. Tuy nhiên, đã có bước tiên phong về hoạt động này khi Thanh Trì đã mạnh dạn đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng xây 4 bể bơi trong các trường tiểu học Vạn Phúc, Tam Hiệp, Đại Áng và THCS Liên Ninh. Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, sau một năm thực hiện thí điểm mỗi bể sẽ dạy được 600 học sinh biết bơi. 

Nói về mô hình này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện tại các bể bơi này đang phát huy hiệu quả rất tích cực và dự kiến sẽ được tổng kết để rút kinh nghiệm triển khai quy mô rộng hơn. Thanh Trì là huyện ngoại thành có nhiều diện tích ao hồ. Đây là nơi nhiều trẻ em thường tới bơi lội, nhất là trong những tháng hè, các em được nghỉ nhiều thời gian ở nhà, nếu không quản lý tốt, rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Điều đáng nói là qua điều tra của ngành GD-ĐT huyện Thanh Trì, có đến 81,8% học sinh các trường tiểu học, THCS không biết bơi. Cùng với chủ trương triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015, dự kiến năm 2013-2014, huyện sẽ triển khai đại trà việc xây dựng bể tập và dạy bơi đặt tại 12 trường tiểu học và THCS còn  lại với kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị ban đầu là 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động này cũng có những khó khăn, chủ yếu là việc huy động nguồn kinh phí xã hội hoá phục vụ mục tiêu của đề án vì chi phí cho mỗi buổi học bơi và tập bơi của học sinh khá cao. Để duy trì hoạt động này, các trường có bể bơi đều phải tăng cường tuyên truyền để học sinh và phụ huynh học sinh hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết phải dạy bơi cho học sinh để thực sự ủng hộ và tự nguyện đóng góp cho con em tham gia học bơi.

Biết bơi không chưa đủ

“Hiện tại việc dạy bơi trong trường học được thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất tốt, tuy nhiên, ở Hà Nội do vướng mùa đông nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn hơn. Ngoài ra, vấn đề kinh phí cũng không dễ giải quyết vì dạy bơi khá tốn kém” – ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết. Chính vì chưa thể triển khai được đại trà công tác này trong trường học, Hà Nội đang tập trung vào việc tập huấn cho cán bộ cốt cán của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, mới đây, ngày 5-12, Sở GD-ĐT Hà Nội kết hợp với Sở VH-TT&DL đã tập huấn kỹ năng bơi lội, cứu hộ... cho 107 cán bộ giáo viên cốt cán của hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa. Trước đó, chương trình này đã được triển khai ở Sơn Tây, Ba Vì, Thanh Trì... Kiến thức này rất cần thiết, đặc biệt khi năm học nào các trường cũng cho học sinh đi sinh hoạt ngoại khóa. Kỹ năng phòng chống đuối nước nếu được phổ biến rộng khắp cho giáo viên thì sẽ hạn chế các tai nạn xảy ra do bơi lội... “Mục tiêu của chương trình còn là huy động các giáo viên sau khi được tập huấn về phổ biến cho giáo viên và học sinh trong trường...”. 

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, việc dạy bơi cho học sinh có thể các gia đình cũng đã tự thực hiện nhưng chỉ biết bơi không chưa đủ. “Tai nạn đáng tiếc ở Mỹ Đức xảy ra với cả những học sinh rất giỏi bơi lội. Hai trong số 8 em bị nạn thường xuyền bơi qua sông nhưng rõ ràng ở đây là các em thiếu kỹ năng cứu nạn với các trường hợp đuối nước.  Bởi vậy, việc phổ biến kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra khi bơi lội và có người gặp nạn là rất cần thiết bên cạnh việc dạy bơi cho học sinh” - ông Thống nhấn mạnh.