Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) giới thiệu sơ lược một số nội dung cơ bản các điều luật
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đã giới thiệu sơ lược những nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin, Luật Điều ước quốc tế (ĐƯQT). Đối với Luật tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới và nhân quyền Liên hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.
Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều ĐƯQT khác như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường...
Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hoá Hiến pháp, cùng với quá trình dổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.
Hội nghị với sự tham gia đông đảo các đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ (thuộc Bộ Công an) và lãnh đạo Công an các tỉnh, thành trong nước
Vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tiếp cận thông tin số 104/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2018. Luật tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 Điều.
Cùng với Luật tiếp cận thông tin, Luật ĐƯQT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017, gồm 10 chương, 84 Điều. Theo đó, Luật ĐƯQT đã giảm 23 Điều so với Luật ĐƯQT năm 2005.
Đồng thời, luật ĐƯQT năm 2016 thay đổi vị trí một số điều để phù hợp với bố cục mới. Luật được sắp xếp theo trình tự hoạt động ký kết ĐƯQT, bắt đầu từ đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập tới hiệu lực, thông báo đối ngoại, tổ chức thực hiện ĐƯQT, quản lý nhà nước và giám sát việc ký kết và thực hiện ĐƯQT, gộp các nội dung thuộc các giai đoạn ký kết ĐƯQT, bổ sung 2 chương mới gồm: thủ tục đối ngoại (Chương VI) và quy định về trình tự, thủ tục rút gọn (Chương VII).
Cũng tại hội nghị, Thượng tá Vũ Huy Khánh, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cũng giới thiệu tóm tắt những nội dung cơ bản của Luật Báo chí và Luật Trẻ em.
Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017, còn Luật trẻ em có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2017. Theo đó, Luật Báo chí gồm 6 chương, 61 Điều (trong đó có 32 Điều xây dựng mới, 29 Điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí năm 1989); Đối với Luật trẻ em năm 2016 gồm 7 chương, 106 Điều (tăng 2 chương, 46 Điều so với Luật trẻ em năm 2014).
Phát biểu bế mạc hội nghị, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, những nội dung cơ bản, cốt lõi của một số đạo luật như: Luật tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật ĐƯQT và Luật Trẻ em đã được các báo cáo viên pháp luật trung ương của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp truyền đạt. Đây là những đạo luật quan trọng, liên quan đến các hoạt động của CAND trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.