Phim Việt tranh giải Oscar: Không mặn mà vì biết chắc sẽ... trượt

ANTĐ - Dùng từ “tranh giải” với một sân chơi điện ảnh tầm cỡ thế giới như Oscar với phim Việt e là hơi quá, nếu không muốn nói là giấc mộng còn xa. Bởi lâu nay, điện ảnh Việt chỉ tham dự cho… có phong trào!

Phim Việt tranh giải Oscar: Không mặn mà vì biết chắc sẽ... trượt ảnh 1“Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng được đánh giá cao nhưng vẫn dừng bước tại Oscar 1994

Biết tự lượng sức mình

Đã có năm, Hội đồng tuyển chọn phim Việt tham dự giải Oscar không phải làm việc (2013) vì Cục Điện ảnh không chọn được phim nào để trình lên xét duyệt. Nguyên do bởi sau khi nhận được thư mời của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, Cục Điện ảnh đã gửi công văn tới các đơn vị sản xuất phim trong nước để mời gửi phim tham gia vòng tuyển chọn. Tuy nhiên, đến hạn chót chỉ có duy nhất một phim đăng ký, nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về thời gian phát hành nên đương nhiên bị loại. Cho tới bây giờ, các hãng phim vẫn thờ ơ với Oscar, như lời chia sẻ của một vị đạo diễn thì đó không phải là sân chơi dành cho mình, vì thế chẳng đơn vị nào kỳ vọng, cũng chẳng đặt niềm tin vào giải thưởng này.

Bản thân nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người từng nhiều lần ngồi trong Hội đồng tuyển chọn phim Việt tham dự Oscar cũng thừa nhận nhiều hãng phim không mặn mà việc dự Oscar. Bởi các đơn vị sản xuất phim biết tự lượng sức mình, biết rõ chất lượng bộ phim của mình đang ở đâu trong khu vực, chưa nói đến việc vươn ra sân chơi điện ảnh đẳng cấp thế giới. Còn tin đồn các nhà sản xuất ngại đăng ký phim của mình tham dự Oscar vì sợ tốn tiền lại càng không phải. Nếu phim được chọn đại diện điện ảnh Việt tham dự Oscar thì nhà sản xuất bộ phim đó cũng chỉ tốn cùng lắm khoảng 30 triệu đồng cho việc in 2 bản phim có phụ đề tiếng Anh, còn lại Cục Điện ảnh sẽ chịu toàn bộ chi phí gửi hồ sơ sang Mỹ. 

Phim Việt tranh giải Oscar: Không mặn mà vì biết chắc sẽ... trượt ảnh 2“Khát vọng Thăng Long” vẫn chủ yếu mang đậm bản sắc dân tộc mà chưa vươn tới đề tài mang tính toàn cầu

“Vênh” từ tiêu chí ban đầu

Điểm lại 7 bộ phim từng được chọn đại diện điện ảnh Việt dự Oscar, chưa thấy  phim nào mang tính toàn cầu mà vẫn chỉ quanh quẩn ở phạm vi đề tài mang đậm bản sắc dân tộc kiểu như: dã sử (Khát vọng Thăng Long), chiến tranh (Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Áo lụa Hà Đông), hoặc bó gọn trong phạm vi vùng miền của một đất nước (Chuyện của Pao, Mùa len trâu).

Ngay cả “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Việt kiều - Trần Anh Hùng dù được đánh giá cao và là đại diện phim Việt duy nhất lọt được vào vòng đề cử cuối cùng dành cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” (Oscar 1994) nhưng xét ra vẫn là một bộ phim nghệ thuật mang đậm “chất” Việt khi khắc họa tâm hồn ngây thơ và bình dị của một cô bé Việt Nam thời kỳ những năm giữa thế kỷ XX. Có lẽ bởi vậy mà bộ phim này cũng đành phải dừng bước trước đại diện của điện ảnh Tây Ban Nha -“Belle Epoque” (Kỷ nguyên đẹp đẽ) - một bộ phim cũng khai thác đề tài chiến tranh nhưng không đao to búa lớn, ngược lại chiến tranh chỉ là cái cớ cho câu chuyện tình yêu, phim có cách thể hiện rất nhẹ nhàng, tinh tế và đầy tính nhân văn. 

Với cách chọn phim dự Oscar của điện ảnh Việt Nam có thể thấy chủ yếu tham gia cho có phong trào. Vì chẳng cần đợi đến lúc Hội đồng chấm chọn vòng sơ loại của Oscar đưa ra kết quả cũng biết trước kiểu gì cũng trượt. Những phim được đánh giá có nội dung phù hợp với tiêu chí tuyển chọn Oscar kiểu như: “Bi đừng sợ” hay “Đập cánh giữa không trung” thuộc dòng phim độc lập, chạm đến đề tài được cho là mang tính toàn cầu, được giải thưởng ở rất nhiều liên hoan phim nước ngoài, được giới chuyên môn và phê bình điện ảnh nước ngoài đánh giá cao nhưng lại chưa có cơ hội dự Oscar. Được biết, “Đập cánh giữa không trung” cũng từng tham gia vòng tuyển chọn phim Việt dự Oscar năm ngoái, song không được chọn.

Một nhà làm phim từng ngồi ghế thẩm định phim cho nhiều liên hoan phim uy tín trong nước cho biết, anh từng đi nhiều nơi, gặp nhiều đồng nghiệp làm phim nước ngoài và họ chỉ nhắc đến những phim Việt từng gây tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế. Đấy rõ ràng là một phép thử và cũng là lợi thế của các phim này nếu được chọn đại diện Việt Nam dự Oscar. Tuy nhiên vẫn có sự “vênh” nhau giữa tiêu chí chọn phim dự Oscar của các nhà quản lý điện ảnh Việt và phim Việt phù hợp với việc dự Oscar, mà nếu không thay đổi thì việc phim Việt bị loại từ “vòng gửi xe” là điều dễ hiểu.