Phim Tết 2014: Ra rạp, cười nhạt rồi...về!

ANTĐ - Tết không còn được xem là thời điểm “vàng” để các nhà sản xuất đua nhau đưa phim ra rạp, bằng chứng là có rất nhiều phim không chọn “ra lò” vào dịp Tết, còn những phim được gán mác “phim Tết” thì lào  phào chọc cười bình dân là chính…

Phương Thanh hóa thân thành Hằng Nga trong khi Huy Khánh vào vai 
Trư Bát Giới trong “Sài Gòn du ký”

Chuyển hướng marketing

Có câu chuyện vui rằng trong những phút trà dư tửu hậu với bạn bè, Phước Sang vẫn bị mấy người bạn trêu phim hài của anh rẻ tiền. Đáp lại, Phước Sang vẫn cười rất hồn nhiên nhưng  không quên đính chính rằng mỗi bộ phim hài mà anh làm cũng ngốn ít nhất cả chục tỷ đồng chứ chả rẻ chút nào. Và đó là sự thật, chỉ có điều lâu nay nhiều nhà sản xuất không như Phước Sang, chờ đến lúc được hỏi mới lên tiếng thanh minh mà ngược lại, luôn khoe kinh phí từ rất sớm với con số rất “khủng”, từ vài tỷ đồng tới vài chục tỷ đồng, thậm chí là vài triệu USD. Chưa biết thực hư thế nào bởi chuyện đầu tư bao nhiêu, lỗ lãi chỉ có nhà sản xuất mới biết đích xác song đó cũng là lý do khiến phim nào ra rạp cũng được gắn mác “phim bạc tỷ”.

Nhưng đó là chuyện của những mùa Tết trước bởi trong số cả 5 phim được làm để “ra lò” vào dịp Tết này, tuyệt nhiên không thấy nhà làm phim nào đả động đến chuyện khoe kinh phí. Thay vào đó là cuộc chạy đua PR bằng… người nổi tiếng. 

Trong số này, thức thời nhất phải kể đến nhà sản xuất của bộ phim “Hai lúa” với việc mời bằng được cô bé 10 tuổi được mệnh danh “thần đồng hát dân ca” Phương Mỹ Chi tham gia đóng phim. Sự xuất hiện của Mỹ Chi khiến nhiều người ngờ vực cô bé chẳng qua cũng chỉ là “mồi nhử” để tăng yếu tố “câu khách”, nhất là trước thông tin em chỉ đảm nhận một vai diễn rất nhỏ trong phim. Tuy nhiên đạo diễn Lê Quang Hưng đã bác bỏ điều này và lý giải rằng sở dĩ Mỹ Chi được mời bởi em có tính cách và hoàn cảnh tương đối gần gũi với nhân vật. Vị đạo diễn tài ba cho biết ngoài đời Mỹ Chi sống rất tình cảm, còn nhân vật mà em được giao phó lại mồ côi cha mẹ và cũng có đời sống nội tâm sâu sắc. Nhà làm phim cũng đã “lựa” giọng của Mỹ Chi để đặt hàng ca khúc nhạc phim cho em thể hiện – một ca khúc có giai điệu đậm chất Nam Bộ. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ sức kéo nhiều người xem tò mò đến rạp.

Ăn theo “sao”?

Cũng hài, cũng làm về đề tài nông thôn nhưng bộ phim Tết “Năm sau con lại về” lại chơi trội với bản hợp đồng độc quyền với nghệ sĩ Hoài Linh giữa lúc sức “càn quét” của danh hài này qua nhiều dịp Tết vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Nghe đâu để thuyết phục được Hoài Linh chỉ nhận lời xuất hiện trong bộ phim Tết của mình, nhà sản xuất “Năm sau con lại về” đã phải bỏ ra cả tỷ đồng. Song đấy chỉ là đồn đoán, cũng không phải không có cơ sở nếu nghi ngờ bản hợp đồng trên chẳng qua cũng chỉ là chiêu PR, bởi lẽ trong số các bộ phim cùng ra rạp vào dịp Tết này thì chưa có nhà sản xuất nào đánh tiếng mời Hoài Linh cả. Bởi vậy nên việc anh có ký độc quyền hay không, có tuyên bố chỉ đóng đúng 1 phim chiếu Tết hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì. 

Một phim khác là “Sài Gòn du  ký” lại gây “sốc” với việc kéo cả dàn “sao” Việt tham gia dựng lại cuộc hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng phiên bản “made in” Việt Nam. Chưa biết hay dở thế nào nhưng chỉ với việc thuyết phục được anh chàng “Đông Gioăng” của màn ảnh Việt – Huy Khánh chịu hóa thân thành Trư Bát Giới hay biến ca sĩ Phương Thanh thành chị Hằng Nga cũng đủ để bộ phim này có sức hút không hề nhẹ về doanh thu khi ra rạp. Còn “Cô dâu đại chiến 2” của đạo diễn Victor Vũ lại gây chú ý khi ghi nhận sự tái ngộ của Vân Trang và Maya - hai gương mặt từng “không đội trời chung” trong bộ phim “Scandal” gây tiếng vang trước đó của anh. Khi được hỏi về sự đối đầu thú vị này, Victor Vũ chỉ cười và úp mở rằng đó là một bí mật.

Chịu chơi không kém, bộ phim “Cuộc chiến với chằn tinh” lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích dân gian “Thạch Sanh” cũng chi tiền mời hàng loạt gương mặt nổi tiếng vào vai… phụ. Trong đó phải kể đến anh chàng Hiếu Hiền với vai tướng cướp, ca sĩ Nhật Tinh Anh vào vai tướng Sam… và cả vai diễn đầu đời của nữ ca sĩ “Siu con” Phương Anh Idol. 

Doanh thu đi trước, nghệ thuật theo sau…

Không quá khi nói rằng Tết Nguyên Đán không còn là “mùa thu” cho các nhà làm phim. So với các dịp Tết trước đây, các phim chọn thời điểm ra rạp vào dịp Tết năm nay đã ít lại còn không có sức nặng về mặt nghệ thuật, hầu hết đều theo môtip “mua vui cũng được một vài trống canh”. Âu đây cũng là điều đã được tiên liệu từ nhiều năm trước, khi các phim nghệ thuật kiểu như “Lời nguyền huyết ngải” của Bùi Thạc Chuyên hay “Thiên mệnh anh hùng” của Victor Vũ đều có doanh thu cực kỳ khiêm tốn khi ra rạp vào dịp Tết khiến nhiều nhà sản xuất rủn chân chùn gối. Một nhà sản xuất có tiếng trong lĩnh vực phim ảnh còn đúc rút ra công thức làm phim Tết rằng: “Doanh thu đi trước, nghệ thuật đi sau, cười vui là chính”. 

Thực tế cũng đã chứng  minh rằng các phim Tết có doanh thu “khủng” đều là phim hài, như “Công chúa teen và ngũ hổ tướng” doanh thu 40 tỷ đồng, “Hello cô Ba” có doanh thu 25 tỷ đồng, “Nhà có năm nàng tiên” doanh thu 52 tỷ đồng…Điều này cũng lý giải vì sao 4/5 phim chiếu Tết năm nay đều là phim hài, có phần nhạt nhẽo. Trong đó có tới hai trong số các phim là “Hai lúa” và “Năm sau con lại về” không hẹn mà đụng “gu” khi cùng làm về đời sống của người dân miền Tây Nam bộ. Đáng nói hơn, ý tưởng thực hiện cả hai phim này đều không mới, trong khi “Năm sau con lại về” dựa trên vở kịch “Đón con về” từng làm mưa làm gió sân khấu kịch 5B (TP.HCM) nhiều năm trước thì câu chuyện trong “Hai Lúa” cũng từng được dàn dựng trên cả sân khấu lẫn truyền hình. 

Ngay cả “Cuộc chiến với chằn tinh” – bộ phim duy nhất ra rạp vào dịp Tết này được kỳ vọng ít nhiều có tính nghệ thuật  với công nghệ 3D, với tiết lộ của nhà sản xuất về việc sẽ xây dựng nhân vật theo phong cách “siêu anh hùng của các nước Âu Mỹ”… cũng sẽ có nhiều tình tiết gây cười. Đại diện nhà sản xuất bộ phim này không ngại ngần tiết lộ rằng tuyến nhân vật phụ với sự tham gia của nhiều cây hài như: Hiếu Hiền, Duy Phương… sẽ có nhiệm vụ tung hứng để lấy tiếng cười của khán giả. Không chịu kém cạnh, đạo diễn Victor Vũ khẳng định “Cô dâu đại chiến 2” cũng sẽ có những tình huống khiến người xem cười nghiêng ngả như phụ nữ cầm gậy gộc, chổi dép đuổi đánh đàn ông…Trong khi đó, nhà sản xuất của “Sài Gòn du ký” cũng quả quyết phim này sẽ có cả những cảnh vui nhộn và khó đỡ trong… bệnh viện tâm thần. 

Dễ làm, không cần đầu tư cao mà lãi vẫn “khủng” là điều khiến nhiều nhà sản xuất chọn làm phim hài chiếu Tết. Song đó cũng là lý do khiến người xem không còn nhiều sự lựa chọn khi vào rạp trong dịp đầu Xuân và bắt đầu ngao ngán với việc ra rạp, cười nhạt rồi về!