Phim tài liệu hiện thực: Sân chơi bình đẳng 

(ANTĐ) - Bộ phim tài liệu không có lời bình “Mặt trời màu gì?” của đạo diễn Đào Thanh Tùng, từng giành giải Bichat 2005 của Pháp kể về hai anh em sinh đôi học ở lớp ghép của trường Nguyễn Đình Chiểu trong ngày đồng sinh nhật của mình, đã cùng nhau bàn luận và thi vẽ xem mặt trời có màu gì.

Phim tài liệu hiện thực: Sân chơi bình đẳng 

(ANTĐ) - Bộ phim tài liệu không có lời bình “Mặt trời màu gì?” của đạo diễn Đào Thanh Tùng, từng giành giải Bichat 2005 của Pháp kể về hai anh em sinh đôi học ở lớp ghép của trường Nguyễn Đình Chiểu trong ngày đồng sinh nhật của mình, đã cùng nhau bàn luận và thi vẽ xem mặt trời có màu gì.

Đứa thì bảo mặt trời màu nâu, đứa lại bảo mặt trời màu đen, mặt trời màu da cam,… và khi lần lượt những bức tranh được treo lên rồi mà chúng vẫn loay hoay với câu hỏi: Mặt trời màu gì?

Phim không cần lời bình

Với một loạt những bộ phim tài liệu nổi lên trong thời gian gần đây như: Cha mẹ xin lỗi con, Mặt trời màu gì?… giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế có uy tín, gây được tiếng vang trong dư luận, đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây là một phương pháp làm phim tài liệu mới được du nhập vào Việt Nam. Kỳ thực, đây là phương pháp đã được các đạo diễn của Việt Nam thực hiện từ những thập kỷ trước như “Đường dây sông Đà”… Ưu điểm lớn nhất của thể loại phim này là sự trung thành với hiện thực một cách tối đa. Người đạo diễn đưa công chúng tiếp cận với hiện thực, với ý đồ của mình theo cách gần với sự kiện nhất.

Một cảnh quay trong “Cha mẹ xin lỗi con”.
Một cảnh quay trong “Cha mẹ xin lỗi con”.

Vì từ đầu tới cuối bộ phim hoàn toàn không sử dụng lời bình nên việc bộ phim đứng được bằng lời thoại buộc người đạo diễn và êkíp làm phim phải động não nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn để tìm ra một cách thể hiện phù hợp. Đạo diễn Đào Thanh Tùng, đạo diễn bộ phim: “Mặt trời màu gì?” phải công nhận: “Đây là một thể loại phim tài liệu khó. Trước khi làm phim, chúng tôi thường phải chuẩn bị trước 2 phương án. Nếu thành công thì làm phim tài liệu hiện thực, còn không thì lại phải viết lời bình”.

Thể loại phim này rất cầu kỳ về khâu âm thanh. Âm thanh được các đạo diễn chú trọng từ khi bắt đầu quay cho tới khi dựng phim. Như bộ phim Cha mẹ xin lỗi con (đạo diễn Phan Huyền Thư), rõ ràng khâu âm thanh đã làm tăng thêm nỗi đau đáu trong lòng khán giả khi chứng kiến nơi lưu giữ, chôn cất của hàng nghìn bào thai khi chưa thành người đã bị bố mẹ chúng vì nhiều lý do khác nhau tước đi sự sống.

Phim tài liệu có dành cho người làm phim nghiệp dư?…

Phim tài liệu không có lời bình hay còn gọi là phim tài liệu hiện thực hướng tới sự trung thành với sự kiện một cách tối đa nên có nhiều nhà làm phim nghiệp dư không được đào tạo về kỹ năng làm phim tài liệu cũng nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo nghệ sĩ Ngô Lực, người từng có nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng và hiện đang chuẩn bị cho dự án làm phim tài liệu theo phương cách này cho rằng: “Phim tài liệu là những gì mình ghi lại theo thực tế, theo câu chuyện muốn kể, không cần tới một kịch bản quá cầu kỳ. Điều quan trọng, người làm phim phải thể hiện được rõ ý đồ của mình qua câu chuyện muốn truyền tải. Vậy nên, tất cả mọi người đều có thể làm phim tài liệu theo cách mình thích, chỉ cần bằng chiếc máy quay đơn giản”.

Tuy vậy, theo ông Lê Hồng Chương - Giám đốc Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương lại cho rằng: “So với thời trước, kỹ thuật điện ảnh đã phát triển hơn rất nhiều, máy quay đã trở nên thông dụng, ai cũng có thể tự quay nhưng để làm nên các tác phẩm điện ảnh thì cần phải có nghề. Nếu ai đó nghĩ rằng làm phim tài liệu không có lời bình dễ thành công hơn và ai cũng có thể làm được thì tôi lại nghĩ ngược lại. Vì thể loại phim này động đến nhiều vấn đề mang tính điện ảnh như hình ảnh, âm thanh nên cần chau chuốt, kịch bản phải có mảng miếng tốt.

Nhưng như thế không có nghĩa là phim tài liệu chỉ dành cho giới chuyên nghiệp. Vì phim tài liệu cũng là một thể loại của bộ môn điện ảnh, cũng giống như văn chương, hội họa,… đều trở thành sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người”.

Phạm Thu Hương