Phim cổ trang Việt “khổ” mọi bề

(ANTĐ) - Điểm lại những bộ phim cổ trang, ta đã từng có “Đêm hội Long Trì”, “Lửa cháy Thành Đại La”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”… Ngay trong thời điểm đất nước còn khó khăn mấy chục năm trước, các nhà làm phim đã tạo nên những mốc son cho dòng phim cổ trang. Giờ không hiếm đạo diễn tài, không ít kịch bản hay, nhưng cứ hễ nhắc đến phim cổ trang là nhiều đạo diễn “né”.
 

“Huyền sử thiên đô” lên sóng rồi vẫn chưa hết gian nan

“Bom tấn” ảo

“Bài ca” thiếu phương tiện kỹ thuật, thiếu kinh phí, thiếu bối cảnh, thiếu phục trang được nhắc đi nhắc lại, từ diễn đàn này sang đến hội thảo nọ, trong khi truyền hình quanh năm vô tư “quảng cáo” cho lịch sử nước ngoài. Có lẽ, các dự án phim cổ trang Việt được “cưng chiều” nhất là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vừa qua. Đã có hẳn một cuộc thi kịch bản phim được tổ chức, ngân sách Nhà nước sẵn sàng đầu tư.

Nhiều hãng phim tư nhân, coi đây là cơ hội “vàng” nên đã lăn xả vào với những dự án mà mới nghe qua, tưởng như Việt Nam sắp sửa có những bộ phim “bom tấn” ra đời. Nhưng rồi, sau những họp báo rầm rộ, những phát ngôn của đạo diễn, diễn viên… rất hoành tráng, dự án ấy im thin thít, lặn mất tăm.

Có một vài phim xuất hiện thì lại đủ chuyện ồn ào, rắc rối trong quá trình sản xuất, nào “Lý Công Uẩn đường tới Thành Thăng Long” không có chất Việt, “Thái sư Trần Thủ Độ” biến lăng Minh Mạng triều Nguyễn thành trường quay bối cảnh thời Trần. “Chiếu dời đô” thì qua tay hết nhà sản xuất này đến nhà sản xuất khác…

Từng có cả trăm bài báo bắt bệnh phim lịch sử, các nhà điện ảnh, nghiên cứu vào cuộc, góp ý rất tâm huyết… Song, khi đã có trong tay một bộ phim tạm gọi là có chất lượng, các nhà làm phim chưa hẳn đã thở phào nhẹ nhõm. Bởi, nó lại còn phụ thuộc vào yếu tố khác: lên sóng kênh nào, giờ nào và quan trọng nhất là có hút quảng cáo không. Nếu không đắt “sô” quảng cáo thì cứ ngồi đó mà chờ đến lượt. Hoặc là, đã lên sóng được một nửa rồi, thì một ngày đẹp trời nào đó bỗng nhiên bị dọa… cắt, để thay phim khác vào như trường hợp “Huyền sử thiên đô” từng gặp.

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã bức xúc mà rằng, lúc nào cũng bảo phim lịch sử Việt Nam không có, chất lượng kém, không đầu tư lớn nhưng khi người ta dám đầu tư lớn, phim có chất lượng tốt thì lại làm mình làm mẩy, “quật” người ta lên bờ xuống ruộng.

Chuyên nghiệp hóa

Công ty Việt Charm vừa ra mắt một dự án đào tạo diễn viên cổ trang. Để tham gia vào một bộ phim cổ trang, diễn viên cần phải được đào tạo về kỹ năng cưỡi ngựa, bắn cung, võ thuật, rồi cách đi đứng nói năng, cử chỉ sao cho giống với những con người cả trăm năm về trước. Khóa học này nghe đâu chỉ diễn ra trong vài tháng và sự thành công của nó nghe chừng rất mông lung. Bởi, kết thúc khóa học các học viên không được áp dụng kiến thức vừa học vào một bộ phim cụ thể nào đó thì những gì học được cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Song, nếu xét về ý tưởng thì đây có thể coi là sự khởi đầu để tính đến việc xây dựng ngành công nghiệp sản xuất phim lịch sử.

Theo đạo diễn Đặng Tất Bình, đáng ra cần phải đặt vấn đề này ra từ lâu rồi mới phải. Và sở dĩ chúng ta cứ mãi bàn thảo mà chưa đi được đến kết luận “đáng đồng tiền bát gạo” cũng là bởi, chúng ta không có tiền để đầu tư. Không chỉ làm phim về cả trăm năm trước, chỉ cần làm những bộ phim cách ngày nay 20 năm thôi là đã gay go rồi. Hai mươi năm trước, xe cộ chạy ngoài đường, trang phục trên người của mỗi chúng ta, kiểu đầu tóc… đâu có giống bây giờ.

Đã từng có cả một cơn lũ dư luận đổ vào phim lịch sử, đó cũng là một trong những đề tài được săm soi, bắt lỗi nhiều nhất. Nếu nhìn lại, đó không phải là “vật cản” mà thực sự là bước đệm để Việt Nam có thể phát triển dòng phim đầy hấp dẫn này. Ngay bây giờ, không ai có thể chắc rằng, bao giờ chúng ta hoàn thành dây chuyền công nghệ sản xuất phim lịch sử bởi không thể thực hiện điều này trong một sớm một chiều. Có điều, để làm được, cần sự chung tay của cả 4 nhà, nhà sử học - nhà văn hóa - nhà biên kịch và đạo diễn.