Phim chỉ để... câu khách

ANTĐ - Giữa những bộ phim bom tấn của điện ảnh thế giới, các tác phẩm của điện ảnh Việt Nam đã ít về số lượng, mà mỗi phim khi xuất hiện còn gây nhiều thất vọng cho khán giả. Trường hợp của hai bộ phim mới được ra mắt gần đây là “Hit: Hoàng tử và lọ lem” và “Săn đàn ông” khiến nhiều khán giả khi nghe quảng cáo hấp dẫn đều rất háo hức, nhưng sau khi xem xong thì lại lắc đầu ngao ngán.

Ảnh: Internet

Nhạt và rỗng

Bằng chứng cho nhận định trên là hai bộ phim được quảng cáo rầm rộ và thu hút sự hiếu kỳ của khán giả là “Hit: Hoàng tử và lọ lem” của đạo diễn Ngô Quang Hải và “Săn đàn ông” của đạo diễn Võ Quốc Thành - Khánh Ly. Với Ngô Quang Hải thì đây được coi là một thất bại tiếp theo của anh sau “Mùa hè lạnh” năm 2012. Mất 6 năm để lên ý tưởng, thực hiện “Mùa hè lạnh” thì với “Hit: Hoàng tử và lọ lem” chỉ tốn của Ngô Quang Hải mất 6 tháng. Bộ phim được vị đạo diễn “Chuyện của Pao” cố gắng cho ra mắt dịp Tết Nguyên đán vừa qua nhưng không thành vì nhiều lý do mà phim rời ngày ra mắt vào đầu tháng 7. Nội dung phim nhàm chán và được cho là quá cũ. Mà muốn làm hấp dẫn một nội dung cũ thì bắt buộc đạo diễn phải có sự sáng tạo mới một cách tinh tế.

Xem phim mới thấy “Hit: Hoàng tử và lọ lem” nhạt và rỗng đến bất ngờ. Phim không có cao trào dù trong cuộc tranh tài thi hát hay trong tình yêu. Lỗi của đạo diễn là đã nhúng tay vào quá sâu đời sống nhân vật, hướng nhân vật suy nghĩ, hành động theo ý muốn chủ quan khiến phim có nhiều tình tiết không logic. Thậm chí còn có nhiều nhân vật xuất hiện và biến mất một cách bí ẩn… mà những nhân vật đó lại thừa, chẳng ăn nhập vào nội dung phim. Nhiều khán giả cho biết họ đến xem phim để xem siêu mẫu Ngọc Trinh và Hà Anh diễn ra sao. Nhưng cuối cùng họ lại ôm thất vọng đi về. Nhà sản xuất, đạo diễn Quang Hải trong trường hợp này phải nói là quá ham những chiêu trò câu khách. Ngọc Trinh trong phim chỉ xuất hiện khoảng 10 giây, chẳng có tên tuổi mà chỉ là một cô gái bơi dưới bể bơi, nhưng tên và hình ảnh của cô lại có trên poster quảng cáo phim?! Còn siêu mẫu Hà Anh thì khá hơn khi xuất hiện ở cuối phim và nói vài câu. Chiêu trò câu khách này bị khán giả cho là “rẻ tiền”. Đạo diễn Ngô Quang Hải còn bị chỉ trích giỏi vẽ tình tiết không cần thiết như những cảnh đua siêu xe, cảnh 7 chú lùn, cảnh lớp học tình thương… khiến người xem thêm rối. Nhưng dù có vẽ thế nào thì Ngô Quang Hải và dàn diễn viên của anh cũng không cứu được một thất bại cho bộ phim nhạt và rỗng.

Sau đó Ngô Quang Hải đã lên tiếng là khán giả đã bất công với bộ phim của anh khi tất cả những công tác chuẩn bị, thực hiện phim “Hit: Hoàng tử và lọ lem” đều được anh thực hiện một cách bài bản nhất. Tuy nhiên do lỗi con người và kỹ thuật nên phim đã không được như anh mong muốn. Sau thất bại thứ 2, Ngô Quang Hải vẫn sẽ tiếp tục làm phim và sắp tới anh  cho ra mắt một bộ phim dạng kỳ bí và một bộ phim ngắn dài khoảng 15 phút. 

Khác với “Hit: Hoàng tử và lọ lem” dài dòng, khó hiểu, câu khách… thì “Săn đàn ông” lại chẳng có chiêu trò câu khách, nhưng vẫn được cho là… nhảm. Mặc dù được quảng cáo là phim không có ngôi sao nhưng vẫn là “bom tấn” hài, sự thất bại của bộ phim là điều dễ dàng nhận biết. Trong phim cũng không thể hiện nhiều được nội dung như tiêu đề là “Săn đàn ông”. Xem phim khán giả cảm thấy rời rạc, nội dung tình tiết không ăn nhập gì với nhau, khiến cảm xúc của người xem bị gián đoạn. Cách xử lý bộ phim cũng thiếu sáng tạo. Nhiều nhân vật trong phim được cố dựng lên để gây cười nhưng lại mất điểm. Nhân vật cô giáo Hồng “điệu chảy nước” khiến khán giả khó chấp nhận, nhân vật người giúp việc trong nhà thì có những bộ trang phục chẳng giống ai… Cách gây cười của phim cũng quá cũ, quá đơn điệu khi cho mỗi nhân vật sử dụng chất giọng đặc trưng của từng vùng miền. Các nhân vật trong phim thì lại diễn quá mờ nhạt khiến bộ phim không nổi bật được chủ đề cần nói…

Khán giả có quay lưng với phim Việt?

Thời gian gần đây, phim Việt ra rạp nhiều và đều đặn hơn trước. Đó là tín hiệu đáng mừng, và khán giả yêu thích điện ảnh cũng đã dành nhiều tình cảm hơn với những nhà làm phim nước nhà. Qua khảo sát một số rạp chiếu phim trên địa bàn Hà Nội, Phim Việt vẫn có chỗ đứng khá tốt, khi suất chiếu nhiều và có các khung giờ khác nhau. Lượng khán giả đến với phim Việt cũng không ít. Song sự thất vọng khi xem phim đã khiến cho các khán giả Việt đứng lên khi mới nửa chừng. Những người cố trụ lại đến cùng của suất chiếu thì lắc đầu ngao ngán, nhiều khán giả còn không hiểu mình vừa xem phim gì. Những gì mà các nhà sản xuất phim quảng cáo thực chất chỉ là để câu khách, móc tiền trong hầu bao khán giả đến rạp. Song câu khách kiểu “lừa” khán giả như vậy thì chỉ được một lần. Đừng để khán giả thất vọng quay lưng với phim Việt.

Một bộ phim ra rạp, được nhiều khán giả háo hức đi xem, nhưng xem xong họ chẳng buồn nhớ, chẳng buồn bàn luận về phim thì quả là điều đáng buồn cho phim Việt. Số lượng phim Việt ra rạp nhiều giúp khán giả có thêm sự lựa chọn hơn cho thực đơn thưởng thức điện ảnh của mình. Nhưng vẫn cứ lối làm phim nhanh, ẩu, nhạt nhẽo và rỗng thì liệu các nhà làm phim Việt có đủ sức giữ chân khán giả không chứ chưa muốn nói là hút khách hay trở thành bom tấn… Vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về chất lượng phim, nhưng nếu không có sự đầu tư đúng đắn, nghiêm túc cho từng sản phẩm, có lẽ một thời gian không xa, khán giả sẽ quay lưng lại với chính nền điện ảnh nước nhà.