- Đối phó Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia kết hợp tiêm kích Nga-phương Tây
- ‘Sát thủ’ BrahMos và tham vọng lớn của Ấn Độ
Hồi giữa tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, quân đội nước này đã hoàn tất thỏa thuận mua 3 hệ thống tên lửa bờ đối hạm BrahMos từ Ấn Độ với giá gần 375 triệu USD. Các hệ thống tên lửa này sẽ do lực lượng Thủy quân Lục chiến (PM), thuộc Quân chủng Hải quân quản lý và điều hành tác chiến.
Ông tiết lộ đã ký duyệt tất cả các điều khoản của hợp đồng mua tên lửa chống hạm ven biển cho Hải quân Philippines. Theo thỏa thuận với Chính phủ Ấn Độ, hợp đồng còn bao gồm việc cung cấp 3 hệ thống, đào tạo nhân sự vận hành, cũng như gói hỗ trợ hậu cần tích hợp (ILS) cần thiết.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana viết trên Facebook rằng, dự án đã được lên ý tưởng vào năm 2017, đến năm 2020 được văn phòng Tổng thống Rodrigo Duterte phê duyệt.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines còn đính kèm một tài liệu hợp đồng, trong đó nêu rõ họ chấp nhận lời đề nghị từ Công ty Liên doanh Nga-Ấn Brahmos Aerospace Private để cung cấp các hệ thống tên lửa trị giá hơn 374,9 triệu USD. Ông Lorenzana cũng công bố các bức ảnh về hệ thống vũ khí mới.
Philippines đã mua 3 hệ thống tên lửa bờ đối hạm BrahMos của Ấn Độ |
Hôm 2/2, giới truyền thông Ấn Độ đã đưa tin rằng, Bộ Quốc phòng Philippines đang tiếp tục thảo luận với Ấn Độ về gói mua sắm thứ hai các hệ thống tên lửa BrahMos (phiên bản đất đối đất) cho lực lượng lục quân (PA) nước này.
Tờ The Hindu của Ấn Độ trích dẫn các nguồn tin riêng cho biết, thỏa thuận với Thủy quân Lục chiến Philippines đã hoàn tất, xếp hàng tiếp theo sẽ là Lục quân Philippines, hiện đang nỗ lực thúc đẩy dự án mua sắm hai khẩu đội tên lửa đất đối đất BrahMos.
Nguồn tin cho biết, việc mua tên lửa BrahMos cho quân đội Philippines nằm trong chương trình hiện đại hóa Quân đội Philippines trong giai đoạn 2023- 2027, mang tên “Chân trời-3” (Horizon 3).
Để chuẩn bị cho điều này, vào năm 2019, PA đã thành lập tiểu đoàn tên lửa đất đối đất đầu tiên thuộc trung đoàn pháo binh lục quân để chuẩn bị cho việc thành lập đơn vị và tổ chức huấn luyện việc sử dụng BrahMos.
Ngoài các hợp đồng mua sắm BrahMos cho quân đội, vừa qua, Công ty Ấn Độ MKU đã đạt hợp đồng cung cấp áo khoác chống đạn (BPJ) cho PA và hiện đang đấu thầu các hợp đồng lớn hơn cung cấp BPJ và mũ bảo hiểm chống đạn cho tất cả các lực lượng.
Trong một gói thầu khác, Hindustan Aeronautics Limited (HAL) thông báo đã nhận được tiền lãi từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines để mua sắm 7 chiếc trực thăng hạng nhẹ Dhruv và 8 chiếc Do-228 theo Khoản tín dụng LoC trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ cung cấp.
Ấn Độ và Philippines cũng đang có kế hoạch đàm phán mua sắm các tàu tuần tra cho lực lượng hải quân và cảnh sát biển nước này.
Để đẩy mạnh việc "thay máu" trang bị cho quân đội nhằm đối phó với sự uy hiếp rất lớn từ hải quân và không quân Trung Quốc, chính phủ Philippines đang xem Ấn Độ là đối tác phù hợp nhất cung cấp toàn bộ các loại khí tài quân sự như một phần của quá trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn.
Ngoài Ấn Độ ra, Philippines cũng tăng cường hợp tác và mua sắm vũ khí, trang bị hải quân với Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhằm gia tăng cấp tốc khả năng tác chiến trên Biển Đông.