Philippines muốn quân đội Mỹ trở lại để đối phó với Trung Quốc?

ANTĐ - Ngày 16-7, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết, 2 nước đã mở rộng các cuộc đàm phán về hợp tác quân sự, trong đó có việc Mỹ có thể tài trợ Philippines xây dựng các cơ sở quân sự và việc cất giữ các mặt hàng cứu trợ nhân đạo của Mỹ tại nước này.

Phạm vi đàm phán rộng lớn hơn về việc sử dụng chung các cơ sở dân sự và quân sự cho thấy, mối quan hệ an ninh giữa 2 nước đồng minh này ấm lên nhanh chóng, khi Philippines đang trông chờ chính quyền Mỹ giúp đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp trên biển Đông.

Đại sứ Jose Cuisia cho biết, Philippines đã bác bỏ khả năng cho phép quân đội Mỹ thường trú tại nước này, nhưng nước này sẽ cho phép máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ được phép tiếp cận thường xuyên hơn các căn cứ quân sự của mình, trên cơ sở tạm thời và luân phiên, giúp Philippines nâng cao khả năng phòng thủ tối thiểu.

Sự hiện diện luân phiên ngày càng nhiều lực lượng Mỹ tại nước này được thực hiện theo “Thỏa thuận lực lượng viếng thăm” năm 1998, nhưng cần phải có một thỏa thuận mới, nếu Mỹ xây dựng các cơ sở nhằm hỗ trợ những đợt triển khai tạm thời của họ tại Philippines.

"Chúng tôi cần phải mở rộng hơn nữa (thỏa thuận năm 1998) bởi vì chúng tôi có thể phải xây dựng thêm một số cơ sở", ông Cuisia cho biết.

Theo ông, các cuộc đàm phán chính thức đã đạt đến cấp bộ trưởng, và cả hai bên hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận trước khi Tổng thống Benigno Aquino mãn nhiệm vào tháng 6-2016.

Philippines muốn quân đội Mỹ trở lại để đối phó với Trung Quốc? ảnh 1
Tàu đổ bộ USS-Tortuga của Mỹ đến Philippines cuối tháng 6 vừa qua

"Phải có một số thỏa thuận về vấn đề này, đặc biệt là về vấn đề kinh phí", ông Cuisia nói và cho biết thêm, thỏa thuận mới có thể liên quan đến việc Mỹ yêu cầu tích trữ các trang thiết bị và hàng tiếp tế tại Philippines để chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Có những điểm tập kết trên biển Đông sẽ làm giảm thời gian vận chuyển các trang thiết bị từ những nơi khác, như là từ các căn cứ ở Guam và Honolulu, ông nói.

Các nguồn tin quân sự và ngoại giao liên quan đến các cuộc đàm phán an ninh này cho biết, Mỹ đã chọn được khoảng 10 cơ sở dân sự và quân sự mà họ muốn tiếp cận nhiều hơn, hầu hết trong số các cơ sở này đều quay ra biển Đông.

Tại một số cơ sở dân sự, quân đội sẽ cần phải xây dựng các cơ sở đảm bảo an ninh và cất giữ hàng hóa, phụ tùng và trang thiết bị. Các cơ sở này sau đó có thể được đề xuất để sử dụng chung với Mỹ.

Đại sứ Philippines cho biết, quân đội Mỹ còn muốn cất giữ các trang thiết bị nhân đạo, như lều bạt, máy phát điện và các vật dụng khác, bao gồm cả các trang bị được đưa đến từ Iraq và Afghanistan, tại Philippines và hai bên đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về vấn đề này.