Philippines: Khi chính sách chống Covid-19 bị lạc hướng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lugaw - một món cháo mặn của Philippines - có phải là hàng thiết yếu không? Người dân Philippines bàn tán râm ran về câu hỏi này hơn 1 tuần nay sau khi một cán bộ ở làng Muzon, ngoại ô Thủ đô Manila bắt giữ những người đi giao cháo. Sự việc buộc Văn phòng Tổng thống phải lên tiếng, nhưng nó cũng lộ rõ bất cập trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 ở Philippines.
25 triệu cư dân Manila và các vùng lân cận bước vào đợt phong tỏa mới từ cuối tháng 3-2021

25 triệu cư dân Manila và các vùng lân cận bước vào đợt phong tỏa mới từ cuối tháng 3-2021

Vụ đụng độ giữa shipper và cán bộ địa phương

Anh Marvin Ignacio hôm đó chuẩn bị giao cháo cho khách hàng đặt dịch vụ qua một ứng dụng di động thì bị chặn lại. Anh Ignacio lý luận rằng thực phẩm, đồ ăn thuộc “hàng thiết yếu”, được chính phủ cho phép giao hàng ngoài giờ giới nghiêm. Tuy nhiên, vị cán bộ địa phương đã giảng giải cho Ignacio thế nào là đủ điều kiện cần thiết. Ông nói, không giống như nước, sữa và các mặt hàng tạp hóa, cháo không cần thiết vì một người có thể sống qua ngày mà không có nó. Vị cán bộ sau đó đã ra lệnh đóng cửa quán ngay lập tức và những người làm dịch vụ giao đồ ăn giải tán. Ignacio đã kịp ghi lại toàn bộ sự việc trên video trực tiếp trên Facebook, và nó đã lan truyền chóng mặt trong vài giờ, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trong cư dân mạng.

Kể từ ngày 29-3-2021, Thủ đô Philippines và các tỉnh lân cận đã trở lại chế độ phong tỏa nghiêm ngặt hơn để hạn chế làn sóng nhiễm Covid-19 mới đáng báo động. Văn phòng của Tổng thống Rodrigo Duterte đã buộc phải ra thông báo về vụ việc, trong đó phát ngôn viên Harry Roque nói rằng, việc giao thực phẩm phải được giữ nguyên và không được thu giữ tại các trạm kiểm soát. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Jonathan Malaya cũng nhấn mạnh, quy định của địa phương phải phù hợp với quy định quốc gia.

Vụ việc xảy ra vào thời điểm, số ca nhiễm mới ở Philippines tăng kỷ lục, trong đó cao nhất là vào ngày 2-4 với 15.298 ca nhiễm mới. Quốc gia Đông Nam Á này cũng chứng kiến số ca tử vong trong ngày cao nhất là 382 người hôm 6-4, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên hơn 13.800 người. Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai và tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng, các nhà phân tích cho rằng nhiều người Philippines đang ngày càng thất vọng vì chính phủ không thể ngăn chặn dịch sau hơn 1 năm nhiều lần ra lệnh phong tỏa. “Câu chuyện về món cháo lugaw đủ thấy sự vô lý trong các chính sách phong tỏa của chính phủ. Bởi vì, quan điểm thực thi pháp luật của chính phủ chống lại những nhu cầu cơ bản của người dân”, ông JC Punongbayan, một nhà phân tích từ Trường Kinh tế thuộc Đại học Philippines cho hay.

Chống dịch bằng “biện pháp rắn”

Chính phủ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã phản ứng với đại dịch theo cách tương tự như đối với các vấn đề quốc gia khác: áp đặt bằng luật lệ và quy định với chính sách nghiêm ngặt. Ông Duterte giao cho các cựu tướng lĩnh quân đội và cảnh sát phụ trách các lĩnh vực chính trong ứng phó với đại dịch, bao gồm truy vết, tiêm chủng và phúc lợi xã hội, bất chấp lời kêu gọi về tuyển dụng các chuyên gia y tế công cộng. Khi đại dịch ập đến Philippines vào tháng 3-2020, Tổng thống Duterte đã thực thi một đợt phong tỏa đối với Manila và các tỉnh xung quanh trong gần 5 tháng, kéo dài gần nhất trên thế giới.

Một năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên, có lẽ Philippines vẫn chưa chuẩn bị cho việc lây nhiễm Covid-19 đột ngột tăng mạnh. Các bệnh viện trong khu vực thủ đô và các tỉnh lân cận trở nên quá tải, họ phải chuyển đi những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Các nhà phê bình đổ lỗi việc này do chính phủ đã nới lỏng các hạn chế đi lại sau đợt phong tỏa đầu tiên mà không xây dựng năng lực y tế công cộng.

Các quan chức phụ trách đối phó với đại dịch gần đây đã thừa nhận rằng việc xét nghiệm rộng rãi vẫn chưa khả thi và quá trình truy vết ở nhiều nơi đang khó khăn hơn. Nguồn cung cấp vaccine Covid-19 của quốc gia này đang diễn ra chậm chạp, với chỉ 0,8% trong số 110 triệu dân được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Chỉ có khoảng 28.000 người Philippines đã được tiêm chủng đầy đủ cho đến nay.

“Thực sự, vấn đề chính là chính phủ chủ yếu xem đây là một vấn đề thực thi pháp luật. Họ tăng cường các trạm kiểm soát và lệnh giới nghiêm mà không chú trọng đến xét nghiệm, truy vết và cải thiện năng lực bệnh viện”.

Đầu năm nay, Philippines đã lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các hạn chế bằng cách cho phép các cơ sở giải trí như rạp chiếu phim mở cửa trở lại, bất chấp cảnh báo về các biến thể Covid-19 mới, dễ lây lan hơn. Các nhà quản lý kinh tế cho biết đất nước không còn đủ khả năng để giữ các doanh nghiệp đóng cửa. Hiện giờ đối mặt với số ca lây nhiễm gia tăng có khả năng do các biến thể mới, chính phủ không còn cách chống đỡ nào khác ngoài ra lệnh phong tỏa lần nữa.

Gánh nặng đổ lên đầu thường dân

Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Philippines. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines giảm 9,5% vào năm 2020 và dữ liệu của chính phủ vào tháng 2 cho thấy có 4,2 triệu người Philippines thất nghiệp. Trong tình trạng bị phong tỏa một lần nữa, thậm chí nhiều người Philippines dự kiến sẽ mất thu nhập. Với các quỹ phúc lợi xã hội đã cạn kiệt, chính phủ chỉ có thể hứa hỗ trợ 1.000 peso (20 USD) cho các cá nhân nghèo và việc triển khai chỉ mới bắt đầu 1 tuần sau lệnh phong tỏa.

Cuộc khủng hoảng đã buộc hàng nghìn người Philippines phải tìm việc làm trong các ngành “thiết yếu” như thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Như Ignacio, nhân viên giao đồ ăn ở trung tâm câu chuyện gây tranh cãi nói trên, đã làm việc trong ngành này từ năm 2018. Anh đang học năm thứ ba sư phạm để trở thành giáo viên vào năm 2015 thì gánh nặng tài chính buộc anh phải bỏ học. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Ignacio nhận thấy việc tìm kiếm khách hàng đặt đồ ăn trên ứng dụng di động khó khăn hơn nhiều, dù nhiều người ở nhà hơn. “Rất nhiều người mất việc và doanh nghiệp đóng cửa, nên gần như tất cả đều tham gia dịch vụ giao hàng, vì vậy hiện giờ có quá nhiều người làm công việc như chúng tôi”, anh Ignacio nói.

Trong một báo cáo được công bố trên trang web của mình, Grab, công ty đặt xe có trụ sở tại Singapore cho biết, khoảng 115.000 người trên khắp Đông Nam Á đã đăng ký làm lái xe hoặc người đi giao hàng trong thời kỳ đại dịch. Với việc các tay đua cạnh tranh cho từng lượt đặt chỗ trên ứng dụng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đợi trước các quán ăn chờ người gọi đến. Ignacio không thích lúc nào cũng ở ngoài đường giữa đại dịch như hiện giờ vì anh lo lắng mình có thể bị nhiễm virus để rồi lây nhiễm cho vợ, cậu con trai 3 tuổi và người cha già sống cùng họ. “Chúng tôi là một phần của cái mà họ gọi là “những người tuyến đầu”. Nhưng dù lo lắng mỗi khi ra ngoài, tôi tự nhủ rằng nếu không đi làm, gia đình sẽ không có gì để ăn”, Ignacio nói.

Vào đêm sau khi xảy ra cuộc đụng độ với tay cán bộ làng, hai người trong chính quyền tìm dọa Ignacio, bảo anh gây hại cho đồng nghiệp của họ do video lan truyền mạng xã hội. Việc này tiếp tục được quay hình và đưa lên mạng, và các vị cán bộ kia bị đình chỉ. Tuy nhiên, Ignacio lo sợ cho sự an toàn của mình. “Đó thực sự là điều tôi nghĩ đến, bởi vì tôi đã xúc phạm một số người có vị trí cao. Họ rất quyền lực”, Ignacio nói. Chàng trai 23 tuổi dự định sẽ ở nhà và không làm việc trong một thời gian, ít nhất là cho đến khi anh cảm thấy mọi người không còn quan tâm đến vụ việc. Dù thế nào đi nữa, anh ấy sẽ không phải đợi đặt hàng ở quán gần nhà nữa. Chủ sở hữu, Mary Jane Resurreccion, đã đóng cửa việc kinh doanh ở làng Muzon đang tiến triển tốt này. “Chỉ là kiếm tiền thôi mà. Điều gì sẽ xảy ra nếu mình mất mạng vì nó. Vì vậy, tôi sẽ chịu hy sinh”.

Ignacio và Resurreccion nói rằng họ đang lên tiếng thay mặt cho vô số “những người nhỏ bé” khác giống như họ. Ignacio đang tiếp tục việc học của mình thông qua các lớp học trực tuyến, mơ ước một ngày nào đó sẽ kể câu chuyện của mình cho học sinh khi anh trở thành một giáo viên. “Tôi hy vọng kinh nghiệm của mình sẽ thúc đẩy họ kiên trì cho dù thế nào đi nữa”, anh nói.

“Cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cứu vãn nền kinh tế là bài toán nan giải và Philippines đã tự đưa mình vào ngõ cụt. Thực sự không có sự đánh đổi nào giữa sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế bởi vì suy thoái thực sự bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng sức khỏe. Trừ khi giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trước, anh không thể mong đợi nền kinh tế phục hồi sớm bất cứ lúc nào”.

Ông JC Punongbayan (Nhà phân tích từ Trường Kinh tế thuộc Đại học Philippines)