Philippines: Hệ thống tên lửa phòng không Israel quan trọng hơn hiệp định với Mỹ?

ANTĐ - Thời gian vừa qua, hàng loạt các chính khách và học giả Philippines đã lên tiếng đề nghị Chính phủ không nên chỉ dựa vào Mỹ, mà phải phát huy nội lực để tăng cường sức mạnh quân sự hòng đối chọi với Trung Quốc trên biển Đông. 

Vừa qua, trang “Strategypage” của Mỹ có bài viết với tiêu đề: “Philippines dự định mua tên lửa Israel” (PH plans to tap Israel for missile launchers) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Bài viết đã đánh giá những động thái mới nhất của Philippines trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông như: mua sắm trang bị vũ khí hiện đại, nương tựa vào Mỹ, nhờ cậy vào luật pháp quốc tế…

Bài báo còn cho biết, song song với đẩy nhanh tiến độ mua sắm các loại vũ khí hiện đại của Israel, trong khi đánh giá bản đề án giúp đỡ Philippines của Thượng nghị viện Mỹ, Bộ Ngoại giao Philippines đã dùng duy nhất 1 từ “chiếu cố”, đây là một điều rất đáng để suy ngẫm nếu xem xét đến quan điểm của các chính khách và học giả Philippines.

Vừa qua, tờ “Manila Standard Today” cho biết, do tình hình đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông ngày càng thêm căng thẳng, Chính phủ Philippines có kế hoạch mua sắm các loại vũ khí tiên tiến của Israel như: tên lửa phòng không (SAM) và hệ thống rocket nhiều nòng (MLRS) do Công ty các hệ thống quốc phòng Rafael (RADS) và Công ty công nghiệp quốc phòng Israel liên hợp chế tạo.

Tên lửa phòng không và hệ thống rocket nhiều nòng là những loại vũ khí quan trọng dùng để đối chọi với Trung Quốc mà Philippines thèm muốn đã lâu, nhưng vì thiếu ngân sách nên nó không được quan tâm đúng mức. Hiện nay, do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang ngày càng leo thang nên Chính phủ Philippines đã quyết định đầu tư mua sắm.

Nhật sẽ đẩy nhanh tốc độ cung cấp 10 tàu tuần duyên cho Philippines


Trong tuần tới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines sẽ đến Israel, hoàn thành nốt một số điều khoản trong hợp đồng ghi nhớ để ký kết hiệp định chính thức, đẩy nhanh tiến độ mua sắm để trong vòng 3 - 6 tháng nữa sẽ nhận được tên lửa. Thông tin này đã được Thứ trưởng quốc phòng Fernando Manalo và người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Philippines xác nhận nhưng không tiết lộ chi tiết về hợp đồng cụ thể.

Trong năm đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Aquino III đã khởi động kế hoạch hiện đại hóa quân đội, duyệt chi 75 tỷ Peso để mua máy bay và tàu chiến hiện đại. Sau đó, Philippines tiếp tục xây dựng một kế hoạch khổng lồ với 138 hạng mục mua sắm vũ khí khác nhau. Tháng 8 năm nay, Philippines sẽ tiếp nhận tàu tuần tiễu đã qua sử dụng BRP Ramon Alcaraz thuộc lớp tàu tuần duyên Hamilton của Mỹ chính là bước khởi đầu của kế hoạch đó.

Vừa qua, Thượng nghị sĩ Philippines Gregorio Honasan bày tỏ thái độ thất vọng về viện trợ quân sự Mỹ và yêu cầu xem xét lại “Hiệp định thăm viếng hữu nghị Mỹ - Philippines” và “Hiệp định phòng thủ chung Mỹ - Philippines”. Ông cho rằng, đây là 2 hiệp định không hiệu quả.

Vị cựu đại tá lục quân này còn cho biết: “Chúng ta không nhận được một cái gì từ 2 hiệp định này. Từ trước đến nay, Philippines đã ký nhiều hiệp ước quân sự với nước ngoài, nhưng chẳng có nước nào lên tiếng xác nhận bãi cạn Scaborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) thuộc chủ quyền Philippines. Vì thế, chúng ta cần bãi bỏ những hiệp ước vô dụng này”.

Sắp tới, Mỹ sẽ triệt thoái lực lượng tác chiến đặc biệt đang đóng quân ở Philippines.


Tuy vậy, ông Gregorio Honasan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết “Hiệp định ngư nghiệp” với Đài Loan là để bảo đảm quyền lợi ngư nghiệp song phương, giải quyết thỏa đáng những khúc mắc phát sinh, sau sự kiện tàu công vụ Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan ngày 09/05 vừa qua.

Những phát biểu của ông Honasan được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ thái độ hoan nghênh kế hoạch giải quyết hòa bình những tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc của Thượng viện Mỹ. Ngày 14/06 vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng cảm ơn Thượng viện Mỹ đã "chiếu cố" xem xét những yêu cầu của nước này.

Trong tuần trước, Giáo sư Benito Lim, một giáo sư chuyên nghiên cứu về chính phủ, chính sách đối ngoại và kinh tế chính trị ở trường Đại học Ateneo de Manila đã thẳng thắn lên tiếng, Manila đừng trông đợi gì vào Washington để đối phó với Bắc Kinh, vì Hoa Kỳ sẽ chẳng đời nào hi sinh mối quan hệ thương mại trị giá hàng tỷ USD với Trung Quốc vì “đồng minh thân thiết” Philippines.

Giáo sư Lim phân tích, Washington cũng có lợi ích quốc gia riêng của mình và họ phải bảo vệ nó, Manila không thể đổ lỗi cho đồng minh của mình nếu họ làm như vậy. Để khẳng định sự độc lập của mình, Philippines nên tự giảm dần sự quá lệ thuộc vào Mỹ và tìm kiếm “những cách thức sáng tạo” để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc mà không từ bỏ chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ mà Manila khẳng định là của mình.