Theo tin của “Thời báo hải quân” (Navy Times) của Mỹ, tàu hộ vệ lớp Perry (tên đầy đủ là Oliver Hazard Perry) được hải quân Mỹ nghiên cứu, chế tạo vào thập niên 70 của thế kỷ trước để thay thế cho lớp tàu tuần tiễu loại nhỏ Knox. Lớp tàu này có lượng giãn nước 4100 tấn, tốc độ trên 29 hải lý/h, phạm vi hành trình 4500 hải lý.
Tàu hộ vệ lớp Perry được hải quân Mỹ phát triển theo hướng chú trọng vào tính năng phòng không và chống ngầm, chủ yếu phụ trách nhiệm vụ hộ vệ các nhóm tàu vận tải và các biên đội tàu tác chiến đổ bộ.
Ngoài việc bán các tàu hộ vệ cũ, Mỹ còn giúp đỡ Philippines xây dựng “Lực lượng phòng thủ biển Đông”. Trung tướng Terry Roebling, Tư lệnh lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước đây đã từng tiết lộ, Mỹ sẽ giúp đỡ Philippines xây dựng lực lượng chuyên trách phòng thủ biển Đông và giúp đỡ nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, để bảo vệ “lợi ích chiến lược” của họ trên vùng biển đang ngày càng thêm phức tạp này.
Các tàu hộ vệ lớp FFG-7 Oliver Hazard Perry của Mỹ
Tướng Roebling cho biết, Mỹ sẽ giúp đỡ Philippines xây dựng “Lực lượng phòng thủ biển Đông” ngang tầm với “Lực lượng cơ động quốc gia”, đồng thời ông cũng cho biết, đây là kế hoạch tốt nhất để giúp Philippines có đầy đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông.
Thời gian qua, Philippines không ngừng đẩy mạnh nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng hải quân. Trong tiến trình hiện đại hóa quân đội của mình, Manila đã không tiếc tiền của để mua sắm tàu chiến và tham gia hàng loạt các cuộc diễn tập để nâng cao khả năng tác chiến, khả năng phối hợp, hiệp đồng.
Từ đầu năm đến nay, Philippines đã và đang triển khai hàng loạt kế hoạch mua sắm tàu chiến cũ và mới cho lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển. Hiện nay, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đang có kế hoạch đầu tư hơn 6 triệu USD để mua sắm và cải tạo một tàu tuần tiễu cũ của Pháp cỡ 54m, đồng thời đang đàm phán để mua 1 chiến hạm đa dụng dài 82m và 4 tàu tuần tiễu loại 24m. Số tàu này đều là tàu đóng mới hoàn toàn.
Philippines quyết định mua 2 tàu hộ vệ mới lớp Maestrale của Italia
Cũng trong tháng này, Philippines đã quyết định chi 500 triệu USD để mua 8 chiếc tàu rà quét lôi của Hàn Quốc, đồng thời cũng hủy kế hoạch mua tàu cũ, quyết định mua 2 tàu hộ vệ mới lớp Maestrale của Italia. Vào ngày 16/07 vừa qua, Philippines cũng đã tiếp nhận tàu hộ vệ BRP Ramon Alcaraz, chiếc thứ 2 trong số tàu tuần duyên cũ lớp Hamilton mua của Mỹ.
Tất cả những điều này cho thấy, Manila cương quyết không chịu nhân nhượng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Họ đang ráo riết đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quân đội để đối phó với những sức ép ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc trên biển Đông.