Phiên tòa xử “nữ quái” chiếm đoạt hơn 291 tỷ đồng lại bị trì hoãn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - “Chém gió” có thể ký được các hợp đồng kinh tế “béo bở”, Lan dụ nhiều người hùn vốn làm ăn và dễ dàng chiếm đoạt được hàng trăm tỷ đồng.

Sau 7 tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 21-12, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Lan (SN 1974, trú tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên tới hơn 291 tỷ đồng. Bị hại trong vụ án là 31 cá nhân ở nhiều địa phương khác nhau.

Dù vậy, sau phần thủ tục phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã buộc phải quyết định hoãn xét xử do thấy cần thiết phải triệu tập thêm người tham gia tố tụng. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử trở lại vào ngày 11-1-2021 tới đây. Trước đó, tháng 6-2020, Nguyễn Thị Lan đã bị đưa ra xét xử nhưng sau 1 ngày thẩm vấn, Tòa án Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung do lời khai bị cáo và một số bị hại có nhiều mâu thuẫn.

"Nữ quái" Nguyễn Thị Lan bị đưa ra xét xử tại phiên tòa ngày 21-12.

"Nữ quái" Nguyễn Thị Lan bị đưa ra xét xử tại phiên tòa ngày 21-12.

Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Thị Lan là đối tượng không có nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài cá nhân, bị cáo tự giới thiệu với mọi người rằng “nữ quái” này có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ, rồi đem bán ra ngoài sẽ được lợi nhuận cao.

Bị cáo còn giới thiệu, sở dĩ chị ta có thể mua thanh lý được tài sản là do có quan hệ thân thiết với các quan chức trong ngành xi măng. Nếu ai đó muốn đầu tư kiếm lợi thì đưa tiền cho Lan, chị ta sẽ chia lợi nhuận thỏa đáng. Tưởng thật, nhiều người đã đưa tiền cho Lan và bị “nữ quái” chiếm đoạt.

Ban đầu để tạo lòng tin với các bị hại, Lan thường trả tiền gốc và chia lợi nhuận cao chỉ sau vài ngày nhận tiền góp vốn. Mục đích của “nữ quái” là “thả con săn sắt, bắt con cá sộp”. Tiếp đó, khi bị hại đã ra tin tưởng, Lan huy động với số tiền rất lớn, rồi chiếm đoạt.

Quá trình lừa đảo, Lan còn tạo lập tài khoản zalo tên “buiminh” và giới thiệu với các bị hại là của ông Bùi Hồng M - Tổng giám đốc một doanh nghiệp về xi măng. Sau đó, Lan dùng tài khoản zalo này nhắn tin cho các bị hại dụ lập các hợp đồng mua bán khống... để chiếm đoạt tiền.

Với mánh khóe như trên, từ 2014 đến tháng 9-2017, Lan đã chiếm đoạt của 31 người với tổng số tiền 291,988 tỷ đồng. Trong đó, chị Trần Thị H (trú tại Ninh Bình) bị chiếm đoạt số tiền rất lớn lên tới hơn 31 tỷ đồng. Lần đầu, chị H đầu tư 1 tỷ đồng. Sau 2 ngày, bị cáo trả lại 1 tỷ đồng tiền gốc kèm 300 triệu đồng lãi.

Thấy có lợi nên chị H tiếp tục cho vay nhiều lần. Các lần nhận tiền, bị cáo đều trả lợi nhuận rất cao. Nhưng đến tháng 3-2017, Lan bắt đầu không trả gốc và lãi đúng hẹn cho chị H. Thời điểm này, số tiền chị H đưa cho Lan đã lên tới gần 20 tỷ đồng.

Khi chị H đòi tiền thì bị cáo đưa cho bị hại này xem hẳn hợp đồng mua bán phế liệu trị giá 56 tỷ đồng, chuẩn bị đến lấy hàng. Tin Lan vì được tận mắt xem hợp đồng, chị H tiếp tục nhiều lần đầu tư tiền cho đối tượng lừa đảo. Tính đến tháng 8-2017, Lan đã nhận của chị H tổng số tiền 31,4 tỷ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, “nữ quái” đã lừa 23,5 tỷ đồng của bà Lê Thị Hà (trú tại Thanh Hóa). Bị cáo nói với bà Hà là có mối quan hệ với ông Bùi Hồng M, hiện ông M đã cho Lan nhập động cơ vào các nhà máy xi măng.

Bị cáo rủ bà Hà góp vốn để mua hàng bán và cùng chia lợi nhuận. Lần đầu tiên, bà Hà đầu tư 6 tỷ đồng. Sau 4 ngày, Lan chia lợi nhuận 500 triệu đồng. Tin tưởng vào bị cáo, bà Hà nhiều lần đưa tiền cho bị cáo để đầu tư. Tổng số tiền Lan còn chiếm đoạt của bà Hà là 23,5 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai đã dùng tiền của 31 người đưa cho ông Bùi Hồng M (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) khoảng 129 tỷ đồng, đưa cho Nguyễn Sỹ An (trú tại Nghệ An) hơn 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai người này đều không thừa nhận.

Riêng đối với Nguyễn Sỹ An, Lan đã nhờ người này làm giả các hợp đồng mua bán hàng hóa khống để sử dụng lừa đảo. Tuy nhiên, bị cáo Lan không bàn bạc, không nói cho An biết nên cơ quan điều tra xác định An không đồng phạm và không đề cập xử lý.