Phiên tòa tình yêu đặc biệt bên dòng suối Tam Bông

ANTĐ - Trong chuyến công tác về miền Tây xứ Nghệ mới đây, tôi được nghe về câu chuyện cảm động của cậu bé mồ côi đã trở thành Bí thư huyện ủy, và ly kỳ hơn cả là câu chuyện tình yêu độc nhất vô nhị được phán xử bằng một phiên tòa đặc biệt.

Trong chuyến công tác về miền Tây xứ Nghệ mới đây, ngoài chuyện được thưởng thức “đặc sản” tinh thần là những phiên chợ, những điệu múa của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Tương Dương, tôi còn được nghe về câu chuyện cảm động của cậu bé mồ côi đã trở thành Bí thư huyện ủy, và ly kỳ hơn cả là câu chuyện tình yêu độc nhất vô nhị được phán xử bằng một phiên tòa đặc biệt. Sự hấp dẫn của những tình tiết trên đã không khỏi thôi thúc người viết bài này vượt rừng đến với bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An để gặp gỡ với nhân vật đặc biệt ở miền biên viễn này: ông Lò Văn Xo.

Bên chum rượu cần thơm phức mùi nếp mới, trong căn nhà sàn nằm chênh chếch bên quả đồi án ngữ cửa ngõ vào xã Tam Quang, cựu bí thư huyện ủy Lò Văn Xo năm nay đã xấp xỉ 80 tuổi nhưng trông vẫn còn rất tinh anh, rắn rỏi đã vui vẻ kể cho tôi nghe cuộc đổi đời như giấc mơ và hạnh phúc ngọt ngào phải đánh đổi từ rất nhiều đắng cay, trắc trở của chính ông. Chuyện đã qua từ lâu, nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên, và chưa giây phút nào ông thôi nhớ về nó, không phải để bi lụy mà với ông, nâng niu kỷ niệm cũng là cách để dặn lòng mình phải sống tốt cho hiện tại, để không hổ thẹn khi ngoái nhìn về ngày hôm qua.

Từ bùn lem, vươn lên trở thành Bí thư huyện ủy

Ông Lò Văn Xo, có tên khai sinh là Lò Khăm Khiêu, sinh ra trong một gia đình cận nghèo ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, nơi được mệnh danh là “thủ phủ ma túy” của miền Tây xứ Nghệ. Nhưng, ông đã không đi theo lối mòn của bao trai bản khác sớm bán mình cho nàng tiên nâu mà ngã rẽ cuộc đời đã đưa ông đến với hướng khác. Năm ông lên 3 tuổi thì chẳng may người cha mất đột ngột sau cơn bạo bệnh, để lại người mẹ trẻ cùng đứa con trai bơ vơ. Cha mất, của nả để dành cũng dần hết theo thời gian, người đàn bà chưa qua tuổi 20 nhất quyết không lấy chồng để nuôi con, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào để kiếm cơm gạo để mưu sinh nên hai mẹ con đành vạ vật dắt nhau đi hành khất. Lang thang được một thời gian ngắn thì người mẹ trẻ qua đời, cậu bé Xo phải một mình tay bị tay gậy đi ăn xin.

 

Ảnh minh họa.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã bất ngờ mang đến cho cậu bé Lò Văn Xo bước ngoặt số phận. Lúc ấy, Xo đã là một thiếu niên phổng phao, anh quyết tìm về quê cũ ở bản Tam Bông, xã Tam Quang để nương nhờ người bác là ruột thịt duy nhất. Tại đây, anh Xo đã được tham gia lớp bình dân học vụ và khi đã biết cái chữ và được cân nhắc làm Trung đội trưởng dân quân xã Tam Quang, sau đó là Xã đội trưởng rồi Thư ký ủy ban kháng chiến xã. Năm 22 tuổi, Xo giữ chức Chủ tịch xã, được đề bạt làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang rồi được điều động về Ủy ban huyện Tương Dương, nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau.

Quan trọng nhất là trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến năm 1982, anh Xo giữ chức Bí thư Huyện ủy Tương Dương. Chính trong quãng thời gian này, không chỉ có nhiều sáng kiến góp phần xây dựng quê hương Tương Dương ngày càng giàu mạnh mà ở một khía cạnh rất riêng của đời sống tình cảm, vị Bí thư Huyện ủy này đã làm nên một câu chuyện đã trở thành giai thoại sống, minh chứng cho tình yêu đôi lứa khi dám vượt qua mọi rào cản, phong tục tập quán của dân tộc mình để yêu và lấy người con gái mình yêu về làm vợ. Câu chuyện tình được viết lên bên dòng suối Tam Bông đến nay vẫn được trai gái Thái yêu nhau kể cho nhau nghe như một lời thề hẹn về lòng thủy chung son sắt.

Tình yêu bên dòng suối Tam Bông

Ông Lò Văn Xo bâng khuâng nhớ lại thời thanh niên sôi nổi của mình, mặc dù đã xấp xỉ 80 xuân nhưng đầu óc của ông vẫn còn tinh anh và minh mẫn lắm. Đặc biệt là mỗi lần nhớ lại chuyện ngày xưa. Năm 20 tuổi, cũng là thời điểm Lò Văn Xo được cân nhắc làm Trung đội trưởng dân quân xã Tam Quang, anh đã đem lòng yêu thương người con gái Kha Thị Tàu. Cô Tàu đẹp người, đẹp nết, chỉ tội cái lớn lên gặp lúc bố cô ấy là ông Kha Văn Tủn sa vào nghiệp ngập nên cuộc sống bỗng chốc từ no đủ trở thành túng bấn. Anh Xo và cô Tàu cùng ở bản Tam Bông, có chữ nghĩa nên cô Tàu cũng là người tinh ý, chẳng khó khăn để cô nhận ra tình cảm của anh Trung đội trưởng dành cho mình. Tình yêu đôi trẻ đã đến bằng những đêm hẹn hò, tự tình bên dòng suối, có ánh trăng và cây cỏ núi rừng chứng giám cho lời thề non hẹn biển sẽ cùng nhau kết tóc se tơ giữa hai người.

Trong lúc tình nồng còn đắm say thì gia đình cô Tàu có biến cố. Ở bản Chăm Puông xa xôi, có anh Lò Văn Sầm là con của một người nổi tiếng giàu có của bản, cũng biết đến cô Tàu và đem lòng yêu thương. Sau mấy lần ngỏ ý muốn cưới cô gái Thái xinh đẹp này về làm vợ nhưng bị khước từ, gã bèn rắp tâm nghĩ kế phải cướp được vợ. Biết ông Tủn bố cô Tàu nghiện ngập, lúc nào cũng cần tiền trong khi tài sản trong nhà không còn gì đáng giá, Lò Văn Sầm đã mang xuống 10 lạng bạc trắng đưa cho ông Tủn rồi bảo: “Ta muốn dùng số bạc này để cưới con gái ông về làm vợ”.

Chẳng cần hỏi ý kiến con gái, nhìn thấy bạc là mắt ông Tủn sáng trưng nên đã vội vã gật đầu đồng ý. Đợi khi ông này hút hết 10 lạng bạc, Sầm dẫn theo mấy trai làng lực lưỡng đến bắt cô Tàu về làm vợ mặc cho cô gái này không đồng ý, kêu khóc váng cả bản. Ai cũng biết chuyện, kể cả anh Xo nhưng chẳng ai làm gì được bởi luật làng đã quy định như thế, ông Tủn nhận bạc của người ta là coi như đã đồng ý gả bán con gái. Chuyện cô Tàu kêu khóc cũng là chuyện bình thường, bởi lúc bấy giờ cha mẹ đặt đâu con cái phải ngồi đấy. Về phần anh Xo, nhìn người ta bắt mất người yêu mà lòng anh xót xa vô ngần, đã mấy lần anh toan nhảy ra cướp lại rồi mặc cho cấp trên muốn kỷ luật anh cũng cam chịu nhưng kịp suy nghĩ lại, anh đành nén tình riêng vì nghĩa lớn.

Phiên tòa tình yêu đặc biệt

10 ngày sau kể từ khi bị bắt, đột ngột Kha Thị Tàu trốn nhà chồng trở về bản và tìm gặp anh Xo khóc nức nở: “Em không lấy chồng nữa, em trốn về với anh”. Và cô Tàu rủ anh Xo đi trốn thật. Dĩ nhiên, Xo không thể làm vậy, hai người bàn nhau tìm cách đối phó lại với tên Sầm và vướng mắc lớn nhất bây giờ là gia đình cô Tàu đang nợ tên này 10 đồng bạc trắng. Cả hai người đều nghèo nên không biết đào đâu ra số tiền lớn như thế để trả. Xo bảo với Tàu: “Bây giờ không còn tri huyện, tri phủ nữa mà có chính quyền cách mạng, em không thể sống được với chồng thì em ra tòa để ly hôn rồi về chung sống với anh”. Vậy là cô Tàu nghe theo lời của anh Xo, quyết tâm ra tòa ly hôn để được sống với tình yêu.

Thời điểm bấy giờ, chuyện ra tòa là một cái gì đó rất lạ lẫm, trong khi với đồng bào dân tộc thiểu số, đây lại là chuyện “động Mường”. Nhưng vì yêu, anh Xo quyết tâm. Đêm ấy, hai người ôm nhau khóc nức nở bên dòng suối, ánh trăng dát bạc phủ đầy lên hai mái tóc huyền hòa vào nhau cho đến lúc ánh bình minh hửng sáng, họ mới dắt nhau về. Khi cô Tàu còn chưa kịp nhờ đến chính quyền thì “anh chồng” Lò Văn Sầm đã phát đơn kiện “vợ” về tội không chung thủy, kiện ông Tủn tội “nhận tiền rồi còn bội ước” và kiện cả anh Xo về tội “cướp vợ của người khác khi chưa được phép”.

 

Phiên tòa lần thứ nhất, khi vị chủ tọa hỏi anh Xo, rằng: “Anh lấy vợ người khác về làm vợ mình, anh có thấy sai không?” thì Xo khẳng khái: “Tôi chưa bao giờ cướp vợ ai cả, với lại cô Tàu là do bị ép buộc, chính anh Sầm đây là người đã cướp mất người yêu của tôi, nên tôi quyết tâm giành lại”.

Còn về phần cô Tàu, để chứng minh cho tình yêu của mình, cô cũng cho rằng, tại cô bị bắt ép, bạc nén là do anh Sầm mang cho bố cô chứ cô không hề được cầm đến nên không thể gọi là đồng ý làm vợ người ta được. Phiên tòa hy hữul kéo dài cả ngày trời vẫn không giải quyết xong buộc phải hoãn lại. Đến phiên thứ hai cũng vậy, chỉ đến khi phiên xét xử lần thứ 3 được mở ra, tòa cho ba người, gồm anh Sầm, anh Xo và chị Tàu đối chất chuyện tình cảm, không có bất cứ bằng chứng nào để chứng minh hôn thú giữa cô Tàu và anh Sầm, ngược lại chuyện tình cảm giữa Tàu và Xo thì được đông đảo người dân ủng hộ nên tòa quyết định giải phóng cho cô Tàu, nhưng 10 lạng bạc đã nhận của anh Sầm thì gia đình cô Tàu phải có trách nhiệm hoàn trả. Phiên tòa kết thúc, cùng với nỗi vui mừng có được tự do là nỗi lo về số bạc phải trả ập đến. Chạy vạy mãi, sau rốt anh Xo cũng vay mượn được 2 cây vàng để mang đến nhà Lò Văn Sầm chuộc người yêu về. Hai người không còn tiền làm lễ cưới nên cứ như vậy mà về ở với nhau.

Kể đến đây, ông Lò Văn Xo cười xòa, vậy mà vợ chồng cũng chung sống với nhau được hơn 50 năm trời, bà ấy đã bỏ ông mà đi từ năm 1997, vì cơn bạo bệnh tuổi già. Hai ông bà có với nhau 6 người con, tất cả đều đã trưởng thành và giữ những chức vụ quan trọng ở huyện Tương Dương. Ông Xo tự hào, gia đình ông hiện nay là "gia đình văn hóa" khi các con trai gái, dâu rể thì có đến 7 người tốt nghiêp đại học và 9 người là Đảng viên. Tuy đã gan 80 tuổi nhưng ông Lò Văn Xo vẫn còn rất khỏe mạnh, ngày ngày ông vẫn lên nương, xuống ruộng để tham gia sản xuất. Căn nhà của ông nép mình dưới những rặng cây ăn quả sum suê, soi bóng xuống mặt hồ lăn tán cá nhảy, đó là thành quả của ông sau bao năm miệt mài không ngừng nghỉ.