Phiên dịch viên 8X kiêm tư vấn về sinh sản

ANTĐ - “Từ khi làm phiên dịch viên cho người khiếm thính, em bỗng trở thành người bạn thân, một chuyên gia tư vấn tình cảm và sức khỏe sinh sản cho họ”, Lê Thanh Hoa - một trong 4 phiên dịch viên cho người khiếm thính có tiếng ở Hà Nội chia sẻ.

Cô nàng 8X đa tài

Sinh ra trong một gia đình có bố làm trong quân đội, từ nhỏ Hoa đã học được sự tự lập và năng động. Cũng chính sự tự lập này mà ngay từ những năm học cấp 3, cô đã có thể tự vừa học vừa làm để không phải phụ thuộc vào nguồn tài chính của bố mẹ. Hoa khoe, từ cấp 3, Hoa đã bắt đầu công việc làm nghề Stylist (nghề tạo dựng dựng phong cách) cho các tờ báo tuổi teen như kênh14, hoa học trò....

Từ một Stylist, với khả năng cảm thụ nghệ thuật cùng con mắt nhanh nhạy, sức sáng tạo tuổi trẻ, cô gái 8x này lại được mời làm người thiết kế sân khấu, tổ chức sự kiện. Chính những công việc làm thêm từ hồi cấp 3 như thế này đã làm bước đệm cho Hoa trong những năm về sau.

Sau 4 năm Đại học, Hoa trở thành cử nhân ngành kế toán của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng cuộc sống của Hoa đã chuyển hướng sau khi cô tham gia vào một lớp học ngôn ngữ ký hiệu.

Khi được hỏi lý do gì khiến Hoa tham gia vào lớp ngôn ngữ ký hiệu để rồi trở thành một trong bốn phiên dịch viên cho người khiếm thính có tiếng, Hoa cho biết: “Sau khi ra trường, em chưa vội đi làm ngay mà muốn có chút kinh nghiệm ngoài xã hội (và như có duyên) nên em đã đến Chi hội người điếc để xin học ngôn ngữ ký hiệu. Sau 2 tháng học, em đã có thể hiểu được những gì người khiếm thính “nói”. Và sau khi được tiếp xúc với các bạn bị khuyết tật, em đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Em muốn được làm các công việc xã hội để giúp đỡ họ hơn là công việc của một người kế toán”.

 Hoa đang "nói chuyện" bằng ngôn ngữ của bàn tay

 Hoa đang "nói chuyện" bằng ngôn ngữ của bàn tay

Mong muốn của Hoa bước đầu đã gặp trắc trở khi bố mẹ và người thân trong gia đình cô tỏ ý không bằng lòng vì họ không muốn cô con gái vừa tốt nghiệp Đại học của mình lại phải vất vả bươn chải với các công tác xã hội. Nhưng bằng sự nhẫn nại và lòng quyết tâm, em đã dần chứng minh cho bố mẹ thấy con đường mình đi là đúng, khiến giờ đây tất cả mọi người trong gia đình đều đứng phía sau ủng hộ em.

Nghe Hoa nói, em mất 2 tháng để nắm được ngôn ngữ ký hiệu thì tưởng như việc học ngôn ngữ ký hiệu cũng giản đơn lắm, nhưng nếu như biết được rằng có người phải mất đến 2 năm dày công khổ luyện thì mới có thể hiểu được người khiếm thính nói bằng tay thì mới biết cường độ học tập của Hoa trong suốt 2 tháng đó như thế nào.

Hoa tâm sự, ngôn ngữ ký hiệu và những người khiếm thính đến với em như một duyên nợ. Có lẽ chính cái duyên này đã khiến em tiếp thu bài giảng một cách nhanh hơn. Và cũng có lẽ vì từ năm 3 tuổi, Hoa đã được bố mẹ cho học múa. Môn học này cũng giúp Hoa rất nhiều trong việc thể hiện lời nói bằng “ngôn ngữ bằng cơ thể”.

Dự án “ngôn ngữ ký hiệu” đầy tính nhân văn

Đến nay, sau khi đã làm phiên dịch viên cho người khiếm thính được 2 năm, Hoa được những người khiếm thính coi như một người chị, người em gái thân thiết trong một gia đình lớn của những phận đời không may mắn bị cướp đi tiếng nói và khả năng cảm nhận âm thanh từ cuộc sống.

Thân thiết và tin tưởng như vậy, Hoa dần trở thành chuyên gia tư vấn cho họ. Bất cứ thắc mắc gì trong cuộc sống, họ đều hỏi Hoa. Ngay kể cả việc đời thường trong cuộc sống hay những mâu thuẫn với chồng/vợ, họ cũng đều hỏi Hoa và cô gái này đều cố gắng tìm hiểu qua nhiều cách để mang lại thông tin cho các bạn. Tuy nhiên, “đôi khi có nhiều vấn đề nhạy cảm, em không biết nên lại phải cầu cứu người khác”, Hoa cười nói.

Dự án "Trung tâm ngôn ngữ ký hiệu" xuất phát từ trái tim 

 Dự án "Trung tâm ngôn ngữ ký hiệu" xuất phát từ trái tim

Ví dụ như một lần, có hai vợ chồng người khiếm thính đến gặp Hoa và hỏi liệu con họ sinh ra có bị khiếm thính không và ngay trước mặt người vợ, người chồng còn hỏi Hoa rằng “thế nếu anh bỏ chị này (chỉ vào người vợ) mà yêu và lấy một người không bị khiếm thính thì đứa con sinh ra có bị sao không?”... Lúc này người vợ không tỏ thái độ gì, còn Hoa thì ngỡ ngàng trong vài giây. Cũng có lần khác, một đôi bạn trẻ bị khiếm thính chuẩn bị kết hôn mang giấy khám sức khỏe của cả hai đến cho Hoa xem và hỏi một số điều nhạy cảm về các bộ phận trên cơ thể, khiến Hoa đỏ chín mặt, rồi phải cấp cứu một người bạn thân của gia đình cô hiện đang làm bác sỹ...

Sau 2 năm vừa học vừa thực hành, tiếp xúc với những người khiếm thính, điều khiến cô gái trẻ trung xinh xắn này tâm huyết và đau đáu nhất đó là làm sao để nhân rộng loại hình ngôn ngữ này ra cộng đồng, vì theo suy nghĩ của em thêm một người biết đến ngôn ngữ ký hiệu là những người khiếm thính sẽ có thêm một người bạn để sẻ chia và đồng cảm.

Vậy là, Hoa cùng các bạn lao vào thực hiện một dự án có tên "Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu" để dạy những người khiếm thính, giúp họ có cơ hội làm việc và hòa nhập với cộng đồng, và cũng là để cộng đồng có cơ hội hiểu hơn về người khiếm thính. Công việc này chủ yếu là từ thiện nên ngòai việc dạy ngôn ngữ ký hiệu, Hoa còn tất bật làm thêm một số công việc như dạy múa cho các em nhỏ, tổ chức sự kiện để có tiền trang trải cho những sinh hoạt thường ngày và có sức mang ngôn ngữ đến cho những người không may mắn giúp họ có cơ hội hòa nhập với cuộc sống.