Phía trước đường dốc

(ANTĐ) - Năm 2009 sẽ là năm khó khăn nhiều hơn cơ hội. Năm 2008, nước ta chỉ đạt được 13 chỉ tiêu trong 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Bước sang năm 2009, các chỉ tiêu đặt ra vẫn khá nặng, trong khi suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam cộng hưởng với hệ lụy vừa giảm phát, vừa lạm phát trong nước, thực sự là một “dốc cao” án ngữ ngay phía trước. Nội lực nền kinh tế, “công lực” của các công ty doanh nghiệp có đủ sức vượt dốc hay không?

Phía trước đường dốc

(ANTĐ) - Năm 2009 sẽ là năm khó khăn nhiều hơn cơ hội. Năm 2008, nước ta chỉ đạt được 13 chỉ tiêu trong 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Bước sang năm 2009, các chỉ tiêu đặt ra vẫn khá nặng, trong khi suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam cộng hưởng với hệ lụy vừa giảm phát, vừa lạm phát trong nước, thực sự là một “dốc cao” án ngữ ngay phía trước. Nội lực nền kinh tế, “công lực” của các công ty doanh nghiệp có đủ sức vượt dốc hay không?

Trong khi các chuyên gia kinh tế còn đang tranh luận gay gắt: Lạm phát - giảm pháp vẫn là 50/50, thì Chính phủ đã họp gấp bàn về các biện pháp chống suy giảm kinh tế. Năm 2008 đã khép lại, phía trước là thách thức, khó khăn, không thể nấn ná hoặc “phấn khởi” khi nước ta đã bước đầu kìm hãm được lạm phát. Năm nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra được ví như chống “lạnh” nền kinh tế thay cho tám nhóm giải pháp chống “nóng” hồi đầu năm.

Đang từ “sốt nóng” chuyển sang “sốt lạnh”, cơ thể kinh tế quả thực trải qua một thử thách hiếm thấy. Nhiều chuyên gia cho rằng, 5 nhóm giải pháp chống “lạnh” được đề ra có phần hơi muộn so với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, song vẫn chưa quá muộn.

Nó như tín hiệu phát đi để cả bộ máy Nhà nước chuyển hướng điều hành “kích hoạt” cho phù hợp với thể trạng nền kinh tế. Không phải là quá sớm đưa ra dự báo triển vọng kinh tế nước ta năm 2009 trước ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Đặc biệt, khủng hoảng tài chính, bất động sản, chứng khoán thường để lại những “vết thương” nặng nề.

Nước ta, cùng lúc rơi vào hai trạng thái “nóng - lạnh” vừa giảm phát, vừa lạm phát, tức là giảm sản xuất, người lao động mất việc làm mà hàng hóa lại đắt hơn. Mặt khác, do xuất khẩu khó khăn, hàng hóa ứ đọng từ Trung Quốc, Thái Lan sẽ bán giá rẻ tràn vào nước ta, nhất là sau ngày 1-1-2009, ta sẽ phải mở toang cánh cửa phân phối bán lẻ cho nước ngoài, chắc chắn sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng trước “cơn lũ” hàng ngoại.

Thế nhưng ngay ở Hà Nội, do bị “siết” cả hai đầu sản xuất và tiêu dùng nên nhiều doanh nghiệp buộc phải vay nóng với lãi suất cao, không ít người lâm vào nợ nần, khó gượng dậy trong năm 2009. Số doanh nghiệp được vay vốn  chỉ chiếm khoảng 9%. Với các hộ kinh doanh, tỷ lệ này càng ít hơn, chỉ có 510/115.000 hộ, chưa nổi 0,5%.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, môi trường kinh doanh ở nước ta cải thiện hầu như không đáng kể. Năm 2007 đứng cuối nhóm đầu, năm 2008 thì đứng đầu nhóm cuối. Ba “nút thắt” của nền kinh tế: Thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực cũng chưa nhích lên được bao nhiêu. Bằng chứng là, chỉ riêng lượng hàng hóa tồn đọng ở các cảng đã lên tới 70.000 tấn.

Một tiến sĩ kinh tế cảnh báo rằng, ngay cả khi nước ta đã chặn được đà lạm phát, thì thực chất mới chỉ cắt được “triệu chứng”, còn những nguyên nhân sâu xa như đầu tư kém hiệu quả, thủ tục hành chính phiền hà vẫn chưa “khắc phục” được nhiều. “Bài học” khủng hoảng năm 1997-1998 cho thấy, sau khi kích cầu, hiệu quả rất hạn chế. Kích cầu mà để “chảy” vào các doanh nghiệp Nhà nước, thì vẫn là “nước chảy chỗ trũng”.

Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 10% số doanh nghiệp có nhu cầu là được tiếp cận vốn vay ngân hàng. Cho nên, khơi thông “dòng chảy” từ ngân hàng đến các doanh nghiệp tư nhân trong năm mới phải là một đích nhắm trong 5 nhóm giải pháp “chống lạnh” của Chính phủ. Con đường dốc phía trước đối với khối doanh nghiệp là khó vượt nhất.

Đan Thanh