Phía sau những trang viết về người chiến sĩ Công an

ANTĐ - Đằng sau tội phạm là bóng dáng của các chiến sĩ Công an trong cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ bình yên cho xã hội, là những tâm hồn bình dị và dễ mến, là câu chuyện cảm động giữa cuộc sống đời thường… đã thôi thúc giới văn nghệ sĩ cầm bút viết. Và phía sau những trang viết ấy là những nỗi niềm và kỷ niệm không thể nào quên với mỗi người cầm bút. 

Phía sau những trang viết về người chiến sĩ Công an ảnh 1
Những niềm vui nhỏ…

Gần 5 năm kể từ khi “Sát thủ online” nhận giải A cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007 - 2010” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tác giả của cuốn tiểu thuyết này – nhà văn Nguyễn Xuân Thủy nói vui đến bây giờ đó vẫn thực sự là liều “dopping” kích thích anh sáng tác, cố gắng nhiều hơn và nghiêm túc với những trang viết hơn.

Trở lại thời điểm Xuân Thủy bắt đầu viết cuốn sách này, trong khi nhiều nhà văn cùng thế hệ và cả những cây viết trẻ chọn các đề tài thời thượng được xem là dễ phóng bút hơn để viết thì anh lại dành hẳn 3 năm để lao vào viết về lực lượng công an – một đề tài vốn bị mặc định là khô khan và khó sáng tác. Đem thắc mắc này hỏi Xuân Thủy, nhà văn khoác áo lính quả quyết với anh thì không có đề tài thời thượng, chỉ có đề tài đủ sức lay động để anh cầm bút hay không mà thôi. Và tại thời điểm đó, đề tài về tội phạm Internet đã cuốn hút và khiến anh thấy mình phải viết.

Phía sau những trang viết về người chiến sĩ Công an ảnh 2

Có dịp tham dự một trại sáng tác do Nhà xuất bản CAND tổ chức và đi thực tế ở một loạt trại giam của Bộ Công an, nhà văn Xuân Thủy gặp rất nhiều kiểu phạm nhân với vô vàn con đường dẫn tới nhà tù. Trong số ấy, điều ám ảnh nhất chính là hình ảnh những tội phạm vị thành niên dính vào Internet, game online hoặc phạm tội từ chính môi trường “ảo”. Thân phận cậu bé Tí – nhân vật chính trong “Sát thủ online” bắt đầu có hình hài từ đó khi ngay tại trại viết ở Sầm Sơn, anh đã hoàn thành 80 trang bản thảo.

 Trở về sau những chuyến thực tế, anh tranh thủ viết tiếp và hoàn thiện cuốn tiểu thuyết này vào lúc rảnh rỗi. Khi cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007 – 2010” đến hạn chót nhận bảo thảo cũng là lúc anh “nộp quyển” đến Nhà xuất bản CAND. Hai tháng sau khi sách được in, anh nhận được tin “Sát thủ online” giành giải Nhất.

Phía sau những trang viết về người chiến sĩ Công an ảnh 3

Dù được xem là cây bút có duyên với đề tài an ninh song Xuân Thủy bộc bạch đến giờ anh vẫn chưa có dịp tìm hiểu nhiều về công việc của các chiến sĩ Công an trong thực tế. Dù vậy, anh rất hiểu phía sau công việc của họ là sự hy sinh thầm lặng, là những điều không thể nói. Vì thế anh vẫn hy vọng sẽ gặp được những chiến sĩ Công an mà việc làm của họ, sự cống hiến hy sinh của họ khiến anh rơi nước mắt.

Bởi họ chính là những nguyên mẫu chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị trong các trang sách mà anh sẽ viết. Cây viết trẻ tâm sự khi đặt bút viết về người chiến sĩ Công an, anh muốn họ bình đẳng với những nhân vật khác, có thân phận và được khắc họa ở những góc cạnh rất người chứ không chỉ là những người phá án. Đó là lý do trong “Sát thủ online”, nhân vật Thượng úy Trung không chỉ là điều tra viên mà còn có một quan hệ ẩn với đối tượng phạm tội; Thượng tá Hoàng, Trưởng Ban chuyên án thì còn có nỗi đau khi con gái cũng là nạn nhân của thế giới ảo dẫn đến bi kịch của gia đình…

Cái tứ từ một cơn mưa...

Cũng như Xuân Thủy, cũng từ những câu hỏi mà nhà văn Y Ban đã hình thành nên cái tứ cho câu chuyện “Con đường qua bảy ngã tư” – tác phẩm sau này giành giải Nhì cuộc thi truyện ngắn viết về Công an Hà Nội năm 2010. Y Ban kể ngày đó, trong một lần đi qua ngã tư Cửa Nam vào đúng giờ tan tầm thì cơn mưa rào ập xuống. Giữa cơn mưa trắng xóa, một đồng chí CSGT vẫn đứng dưới trời mưa miệt mài phân luồng giao thông, người ướt sũng, đôi chân trần trắng bợt đi vì ngấm nước, duy chỉ có đôi giày ngành màu đen được bọc cẩn thận trong chiếc túi nilông để bên cạnh.

 Trong lòng chị khi ấy trào dâng cảm xúc khó tả và rồi chị vừa đi vừa tự trả lời các câu hỏi đang “túa” ra trong đầu: Công an là ai? Họ là người làm việc trong ngành Công an. Chúng ta có cần đến họ không? Rất cần, khi đường tắc ai cũng muốn có mặt các chiến sĩ CSGT, khi có gây gổ đánh nhau, người ta lập tức gọi họ, khi có tranh chấp mâu thuẫn xóm giềng cũng lại là họ đứng ra giải quyết... Y Ban bảo trước đó chị từng có dịp tiếp xúc với các chiến sĩ Cảnh sát cơ động, rồi cả Công an khu vực bởi có ý định viết về các chiến sĩ Công an nhưng trong đầu chưa nảy ra ý tứ nào dù trong tim đã dâng đầy cảm xúc. Nhưng cơn mưa trong buổi chiều hôm ấy đã phôi thai để “Con đường qua bảy ngã tư” ra đời. 

Sau thành công với “Con đường qua bảy ngã tư”, Y Ban bảo nếu có dịp chị vẫn sẽ viết thêm những tác phẩm về người chiến sĩ Công an. Bởi có một vài điều cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến, Y Ban bảo chị vẫn thấy như “mắc nợ”. Một trong số đó là câu chuyện về người chiến sĩ Cảnh sát giao thông mà chị gặp ở chân cầu Chương Dương cách đây nhiều năm. Nhớ lại câu chuyện này, Y Ban kể vì sống ở Ngọc Thụy (Gia Lâm) nên con đường về nhà của chị ngày nào cũng đi qua cầu Chương Dương.

Có một lần, thấy phía chân cầu có một chỗ bán đặc sản biển Cửa Lò, chị tấp vào và gặp một đồng chí Cảnh sát giao thông cũng ghé vào hỏi mua cua. Sau khi nghe cậu bé bán hàng bảo “ba trăm rưỡi một cân” và nghe Y Ban trêu: “đồng chí mua đi”, đồng chí Cảnh sát giao thông lưỡng lự rồi đáp: “Ừ, cũng muốn mua lắm nhưng đắt quá nên thôi”. Câu chuyện này sau đó Y Ban bảo chị cũng không để tâm cho đến một ngày chị đọc được một bài báo viết về một đồng chí Cảnh sát giao thông có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: con trai làm trong ngành công an đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, vợ thì ốm đau, trong khi con gái vẫn quyết tâm theo học ngành cảnh sát.

 Và đó chính là người chiến sĩ cảnh sát giao thông mà chị tình cờ gặp tại chỗ bán hải sản lần nọ. Trong đầu chị khi ấy đã lóe lên suy nghĩ sẽ mua vài cân cua để tặng người chiến sĩ cảnh sát giao thông này nhưng chỉ tiếc là dù hàng ngày đi ngang qua cầu, chị cũng không gặp lại gương mặt quen thuộc ấy. Y Ban bảo nỗi niềm ấy cũng như khi chị định tấp vào lề đường mua một chiếc áo mưa để tặng đồng chí Cảnh sát giao thông - người đã giúp chị nảy ra cái tứ viết “Con đường qua bảy ngã tư”, nhưng lại chưa kịp và chưa dám làm...

Viết theo đơn đặt hàng từ trái tim...

Cũng khoác áo lính như nhà văn Xuân Thủy, cũng đồng cảm và trăn trở như Y Ban với suy nghĩ muốn viết điều gì đó về lực lượng CAND, để rồi nhạc sĩ An Hiếu - con trai của cố nhạc sĩ An Thuyên cách đây không lâu vừa cho ra đời 2 bài hát đầu tiên về người chiến sĩ Công an.  Chàng nhạc sĩ khoác áo lính sinh năm 1975 từng nổi danh trong giới nhạc trẻ với vai trò trưởng ban nhạc Đồng Đội tâm sự anh đặt bút sáng tác 2 ca khúc này không theo bất cứ đơn đặt hàng nào cả, chỉ đơn giản vì cảm xúc từ trái tim thôi thúc. An Hiếu bảo cảm xúc ấy bắt nguồn từ mối duyên khi anh có dịp sinh hoạt trong Câu lạc bộ bóng bàn của Chi hội Nhạc sĩ CAND ở phố Yết Kiêu và sau đó may mắn tham gia một đợt đi thực tế cùng các nhạc sĩ trong Chi hội đến Cần Thơ, Phú Thọ và Tuyên Quang cách đây vài tháng. 

Từng có chung suy  nghĩ như nhiều người rằng các chiến sĩ Công an có vẻ gì đó cứng nhắc và khô khan, song chính từ những buổi đánh bóng bàn và những chuyến đi thực tế, anh đã nhận ra ở họ những điều rất khác - đó là sự mộc mạc, chân thành và cũng rất dí dỏm đáng yêu giống những người lính, những người đồng đội của mình. Và rồi anh đặt bút và viết liền hai bài hát đầu tiên về người chiến sĩ Công an.

 Mỗi lần viết xong, anh lại cẩn thận gọi điện cho nhạc sĩ Trương Hùng thuộc Chi hội Nhạc sĩ CAND nhờ xem lại và góp ý từng câu từ, giai điệu sao cho phù hợp. Thời gian viết 2 ca khúc này, nhạc sĩ An Thuyên còn sống nên anh cũng nhờ cha mình nghe thử và nhận được sự động viên khích lệ từ ông. Một trong hai sáng tác này, anh đã nhờ tốp nam của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thu âm, bài song ca còn lại anh vẫn đang tìm giọng ca phù hợp để thể hiện. Nhạc sĩ An Hiếu thổ lộ anh nhận ra rằng dù là người lính bộ đội nhưng anh lại tìm thấy sự đồng cảm lớn lao với những người chiến sĩ Công an cùng công tác trong lực lượng vũ trang. Và đó cũng là lý do, anh sẽ như cha mình - cố nhạc sĩ An Thuyên dành tình cảm yêu mến ấy trong các tác phẩm âm nhạc viết về người chiến sĩ Công an.

Phía sau những trang viết về người chiến sĩ Công an ảnh 4

Có điều dù là nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ thì tác giả của những tác phẩm kể trên đều thừa nhận viết về đề tài an ninh, về người chiến sĩ Công an không hề dễ.  Nhưng các văn nghệ sĩ vẫn quả quyết sẽ vẫn tiếp tục viết bởi khi nào còn tội phạm, còn cái ác hiện diện, còn những chiến sĩ Công an ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho xã hội thì những người cầm bút còn phải viết và còn có cái để viết.