Phía sau những chiến công

ANTĐ - Thi thoảng tôi vẫn tìm cho mình cái “cớ” để sang ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang - trụ sở của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội. Cái “cớ” mà tôi nói đến ở đây phải là sự chia sẻ niềm vui thật sự với đồng chí, đồng đội chứ không chỉ đơn thuần sang lấy tư liệu cho một chuyên án mà các anh mới phá xong; lại không phải qua quấy quả chút thời gian vì tôi biết các anh rất bận rộn với hồ sơ, tư liệu, án từ và những chuyến công tác, thời gian dành cho gia đình còn ít. 

Cái “cớ” đó chính là sang để gặp, để viết về chính các anh, trong đó có rất nhiều những thành viên tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng bản lĩnh, lòng quả cảm cống hiến và sự hy sinh vì công việc thì chẳng bao giờ thiếu. Hôm nay tôi lại “bắt” được một cái “cớ” đấy khi có thành viên vừa mới được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công vì đã lập những chiến công xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu - đó chính là Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Đội trưởng Đội Điều tra trọng án 1, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội. 

Phía sau những chiến công ảnh 1

Từ vinh dự đến thử thách

Tôi gặp Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn tại “đại bản doanh” của Đội trọng án. Tất bật với công việc, câu chuyện giữa chúng tôi luôn bị cắt ngang bởi những tiếng điện thoại réo liên hồi, những phút trao đổi công việc với các cán bộ trinh sát trong đội. Người Đội phó tôi gặp có dáng người đậm, vẻ mặt hiền nhưng giọng nói đầy quyết liệt khi chỉ đạo công việc. Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: Cảm xúc khi nhận Huân chương Chiến công thật tự hào, anh em đồng đội chúc mừng cũng thấy vui nhưng tôi lại thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người chiến sĩ khoác trên mình bộ sắc phục công an. Vinh dự được ghi nhận rồi, giờ tất cả lại tất bật trở về với trách nhiệm công việc luôn được ưu tiên số 1. 

Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân vào tháng 7-2009 thì tháng 8-2009 đã bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Đội Điều tra trọng án 1, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cho đến tận bây giờ. 5, 6 năm thì chẳng thấm vào đâu so với những bậc cha chú, anh em trong ngành, trong đơn vị nhưng với anh những ngày đó cũng là những ngày đáng nhớ  của một chiến sĩ trẻ.

 Đến nay, rất nhiều vụ trọng án được Đội Trọng án 1 điều tra, khám phá có sự đóng góp công sức của Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn. “Có lẽ cũng không cần phải nói quá nhiều về nhiệm vụ bởi tự thân “số 7” đã trở thành thương hiệu, và cái tên trọng án đã nói lên tất cả. Trước mỗi vụ án đặt biệt nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi - những người chiến sỹ Đội Trọng án luôn sẵn sàng lên đường khi nhận được tin báo, dẫu lúc đó có là thời khắc đêm 30 Tết” - Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn tâm sự - “Mỗi vụ trọng án xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội luôn là những thử thách khó khăn đối với người “đánh” án chúng tôi. Để truy tìm được những manh mối ban đầu, ngoài sự phối kết hợp với các đơn vị, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi phải vận dụng đến mọi kỹ năng mình có, từ sự nhạy bén đến các giác quan khi đi xác minh, điều tra để có những nhận định, đánh giá và đưa ra quyết định không những nhanh mà còn phải trúng, đúng. Có những vụ trọng án xảy ra đã lâu, mọi dữ kiện đều quá mờ nhạt, mọi tang chứng, vật chứng có thể đã không còn… là thách thức rất lớn đối với các trinh sát Đội Trọng án. Thế nên, lính trọng án chúng tôi đã xác định ngay với nhau rằng: trước khi bước vào mỗi trận đánh đều phải chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn mà mình sẽ phải đương đầu để cố gắng vượt qua”… 

Bước qua những vụ trọng án

Câu chuyện Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn kể khiến chúng tôi liên tưởng đến công việc của các anh như đi tìm lời giải cho một câu đố khó; hay đi tìm đáp án cho một bài toán chưa có lời giải. Và nếu không đủ niềm đam mê, sự hy sinh, cống hiến thì liệu các anh có đủ kiên trì để đi đến tận cùng gốc rễ của vấn đề khi mọi dữ kiện để đi đến lời giải đều bị giấu đi? Và cứ thế là biết bao giả thuyết về tính chất vụ án, số lượng hung thủ, công cụ gây án, thời gian, địa điểm… được đặt ra là có ngần ấy đáp án để “giải mã”… “thông số”. Nhiều vụ án các anh phải bắt đầu từ những con số 0 tròn trĩnh, thế nhưng, câu trả lời thỏa đáng nhất đó là việc điều tra khám phá, bắt giữ nhanh thủ phạm.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn nhớ lại, một vụ án xảy ra vào ngày 24-5-2014, khoảng 7 giờ tối, chúng tôi nhận được tin báo là vào khoảng 6h30’ tối, anh Đồng Nguyên Minh (SN 1971) đi xe máy về nhà ở phố Thành Công thì bị 3 nam thanh niên đeo khẩu trang vào nhà dùng dao chém nhiều nhát vào người rồi lên xe máy bỏ trốn. Do vết thương quá nặng, anh Minh đã tử vong. Có mặt ở hiện trường Ban chuyên án nhận định đây là vụ án giết người xuất phát từ mâu thuẫn với nạn nhân, các đối tượng gây án có khả năng được thuê đến để thực hiện hành vi phạm tội. Tôi được Ban chuyên án giao chỉ huy tổ công tác rà soát nhân chứng hiện trường, rà soát các đối tượng có biểu hiện nghi vấn trên địa bàn. Thực tế, nạn nhân là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, nhiều quan hệ xã hội phức tạp đã gây không ít khó khăn cho quá trình xác minh. Các đối tượng gây án đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, theo dõi nạn nhân trong thời gian nhất định.

Qua quá trình rà soát nhân chứng, tôi cùng tổ công tác đã phát hiện nhiều thông tin quan trọng về đặc điểm nhận dạng, phương tiện của các đối tượng gây án và thu giữ được nhiều vật chứng quan trọng của vụ án. Tôi đã báo cáo Ban chuyên án cho tổ chức các mũi đi xác minh, dựng nhân thân các đối tượng gây án theo các thông tin thu thập được. Sau nhiều giờ tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chúng tôi đã “dựng” được nhân thân 5 đối tượng gây án và tổ chức truy bắt. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, và sự nỗ lực và quyết tâm của các tổ công tác, sau 2 ngày đêm các đối tượng lần lượt bị các trinh sát bắt giữ. 

Lấy vụ án để minh chứng, rồi Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn lại đặt lại vấn đề, từ những giả thuyết đúng thì điều tra sẽ nhanh và đúng hướng sớm tìm ra đối tượng. Vậy giả thuyết sai thì sao? Đó là những “nút thắt” mà tất cả các anh phải “cãi nhau” đến nảy lửa, bao nhiêu người phải chụm đầu lại, phán đoán, nhận định, trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra “thông số” chính xác và khách quan nhất. Và sự xâu chuỗi logic sẽ cho ra những kết quả bất ngờ… “Anh Nguyễn Văn Tốt (SN 1968), ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội nằm chết tại trước cửa nhà vào đêm ngày 11-7-2014, trên người có nhiều thương tích. Vụ án xảy ra vào đêm khuya, không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến đã gây rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra. Tuy nhiên do làm tốt từ việc rà soát nhân chứng, hiện trường chỉ sau 2 ngày chúng tôi xác định và bắt được đối tượng gây án là Phạm Tuấn Anh (SN 1985), ở thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội. Theo Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn, hành trình truy xét trong các vụ trọng án luôn bắt đầu từ các thông tin về con người và tang vật. Như trong vụ án giết người vừa kể trên, đối tượng Phạm Tuấn Anh đã vứt hung khí xuống sông Hồng. Còn có không ít vụ án lính trọng án phải mất rất nhiều công sức ngụp lặn tìm hung khí dưới sông, hồ… - đó là một trong hàng núi công việc đè nặng lên vai những người làm án, còn đó những vụ phải tra cứu hồ sơ, giám định hàng trăm chiếc xe để truy nguyên số khung, số máy; lập danh chỉ bản hàng trăm, nghìn người để đối chiếu với dấu vết đường vân được phát hiện tại hiện trường…

Tìm niềm vui trong công việc

Đối với người lính hình sự không chỉ đòi hỏi sự cần mẫn, cẩn thận, tỉ mẩn trong từng chi tiết mà còn phải nhanh nhạy trong mọi tình huống, nhận định để sớm tìm ra manh mối, bởi theo Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn nếu không nhanh chóng bắt giữ kẻ thủ ác thì đối tượng sẽ có nhiều thời gian để ẩn náu tìm đường tẩu thoát, chưa kể đến việc sống ngoài vòng pháp luật đối tượng hoàn toàn có thể tiếp tục gây án. Với tâm niệm ấy, từ năm 2013 đến nay, Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn đã cùng đồng đội điều tra khám phá trên 40 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 6 vụ án giết người, cướp tài sản; 25 vụ án giết người. Ngoài những vụ trọng án Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn đã kể còn có vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm như vụ giết người xảy ra ngày 5-8-2014 tại khu vực nút giao thông có đèn tín hiệu gần số 47, Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội mà đối tượng đã dùng dao nhọn đâm nạn nhân tử vong rồi bỏ trốn... 

Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn tâm sự: “Khi bắt được các đối tượng gây án, tôi cùng với anh em trong đơn vị như quên hết mọi thứ. Dù đói, mệt lả sau nhiều ngày mật phục theo án nhưng vẫn vui vì trút được gánh nặng vì kẻ thủ ác cuối cùng đã phải đền tội. Tội phạm có muôn hình vạn trạng, từ động cơ đến phương thức gây án, nhiều đối tượng bị bắt về cơ quan điều tra vẫn nghĩ ra đủ kế để đối phó với các điều tra viên, nhưng dù ở bất kỳ trạng thái dù đấu lý, đấu trí chúng tôi cũng phải chắc ý chí không chùn bước bằng mọi phương cách để đấu tranh, buộc đối tượng khai nhận tội một cách khâm phục khẩu phục”.

Ý chí là vậy, nhưng dẫu ở cương vị nào cũng là một con người với những cảm xúc nhất định, nên ở một góc khuất nào đó các anh - những người lính hình sự - vẫn có những phút suy tư khi nghĩ về gia đình. Không phải ai cũng hiểu nếu chỉ đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng những vụ án được phá, thủ phạm đã bị bắt giữ... mà quên mất rằng để có được đằng sau những chiến công ấy, hay những tấm Huân chương, Bằng khen, Giấy khen các anh phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, sự sum họp, quây quần, đoàn tụ bên bữa cơm cuối ngày để thực hiện nhiệm vụ; là những ánh mắt động viên nhau cùng cố gắng; là sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người từ cấp chỉ huy, chiến sỹ đồng đội, các đơn vị nghiệp vụ và phát hiện, bắt giữ được đối tượng gây án chính là niềm vui, hạnh phúc của các anh để bảo vệ sự bình yên của nhân dân. Có lẽ, ở “ngôi nhà số 7” ấy, nhiệt huyết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đã có rất nhiều các gương mặt trẻ tiêu biểu được tôn vinh, và người lính trẻ Nguyễn Ngọc Sơn chính là những người viết tiếp trang sử hùng truyền thống của người lính hình sự - một biểu tượng cho sự gan dạ, dũng cảm của lực lượng Cảnh sát Hình sự, Công an Thủ đô - hàng ngày, hàng giờ họ đang dệt nên một bức tranh của một Hà Nội bình yên.