Phía sau một Hồng Kông hào nhoáng

ANTĐ - Là một trong những trung tâm tài chính thương mại lớn ở châu Á và thế giới, ẩn nấp sau những tòa nhà cao tầng lộng lẫy hàng triệu đô la và những khu trung tâm thương mại tráng lệ nằm giữa trung tâm Hồng Kông (Trung Quốc), là những khu nhà “chuồng” - nơi mà rất nhiều người đang sống lầm lũi.

Chui rúc trong “chuồng”

Đó là những chiếc chuồng đúng nghĩa với diện tích chỉ vừa đủ cho một người nhỏ bé nằm khép nép. Chuồng nọ xếp chồng lên chuồng kia, được làm bằng những thanh sắt thép rỉ mà ẩn chứa trong đó là mỗi cuộc sống, mỗi số phận nghèo. Nhìn kỹ vào những chiếc phòng này, người ta chỉ thấy vài vật dụng cá nhân đơn giản, vài bộ quần áo treo lơ lửng. Đó là tất cả những gì có trong “mái nhà” của hàng chục, hàng trăm nghìn con người. Nó có vẻ khá hơn khách sạn “nghìn sao” để khỏi phải ăn ngủ ngoài đường, song đó chính là bằng chứng cho thấy sự tương phản nghiệt ngã giàu - nghèo trong cuộc sống hiện đại tại thành phố này. Cư dân nơi đây không có đủ chỗ nấu ăn, giặt và phơi quần áo. Bên cạnh đó, mọi sinh hoạt đều phải chung, từ ngủ, tắm giặt, đi vệ sinh… Trung bình 10 người chia sẻ một nhà vệ sinh cùng một căn bếp chật hẹp. 

Ông Mak, 72 tuổi, hiện đang sống trong một chiếc “nhà quan tài” cả thập kỷ qua tại quận Wan Chai (Hồng Kông), cho biết: Nơi để ông tá túc hàng ngày không rộng hơn chiếc giường đôi là mấy. Ông Mak, công nhân tại một khu công nghiệp gần Quảng trường Thời đại Hồng Kông, ngậm ngùi nói: “Không ai muốn ở trong điều kiện sinh hoạt như thế này, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận để tồn tại. Mặc dù chưa chết nhưng chúng tôi vẫn phải sống trong chiếc “quan tài” của mình hàng ngày với 4 “tấm ván” là 4 tấm lưới thép đính vào nhau”. 20 người khác ở trọ với Mak cùng chung một phòng tắm, đường dây điện chằng chịt ngoài hành lang, còn các “nhà quan tài” xếp chồng lên nhau như tủ bếp.

 “Mọi người thường kỳ thị với những người sống trong những khu ổ chuột như thế này bởi họ nghĩ người sống ở đây là những người lười biếng. Nhưng sự thật không hẳn là như vậy. Có nhiều người lao động quần quật cả ngày nhưng chỉ nhận được đồng lương ít ỏi hoặc có những người vừa vấp phải khó khăn tài chính”, Sze Lai San - một nhân viên xã hội có trụ sở tại Hồng Kông cho biết. Như ông Mak, là một người gốc Hồng Kông và từng là người giàu có, gia sản của Mak bỗng chốc tiêu tan bởi phá sản sau một loạt dự án kinh doanh không thành công. Giờ đây ông Mak đành phải sống trong nhà cho thuê giá rẻ vì lương chỉ vỏn vẹn 150 USD/tháng. Tuy nhiên ông Mak cũng chỉ là một trong số 1,2 triệu người dân Hồng Kông đang phải sống trong cảnh bần cùng như vậy. “Tôi có thể nhịn ăn, ở bẩn… nhưng vấn đề lớn nhất chúng tôi lo ngại là an ninh” - ông Mak tâm sự. Hiện ông đang nợ nần chồng chất, nên Mak từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ vì sợ chủ nợ đến đòi. 

Mặc dù điều kiện sống tồi tàn, nhưng chiếc “nhà quan tài” của ông Mak là một trong những khu nhà cho thuê được chính phủ cấp phép. Theo quy định của thành phố, mỗi căn hộ có từ 12 “chuồng ngủ” trở lên phải có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, quy định này không được áp dụng triệt để.

Tương tự, cô Sze đã sống trong những chiếc cũi sắt hơn 16 năm qua cho biết, bắt đầu từ năm ngoái, giá thuê những chiếc “nhà quan tài” này tăng khoảng 20%. Sze cũng giống như hơn 300.000 người thu nhập thấp tại Hồng Kông hiện đang chờ đợi dự án nhà ở công cộng nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Trong con mắt của những người khốn khổ như Mak, Sze, có hai thế giới ở Hồng Kông: một là thành phố đẹp lung linh ánh đèn và những con phố nhộn nhịp tấp nập được nhìn qua cánh cửa sổ duy nhất và một Hồng Kông khác là xung quanh nơi có những thân phận của những người công nhân nghèo khổ.

Nhưng giá vẫn “cắt cổ”

Theo Giám đốc Tổ chức Xã hội vì cộng đồng (SCO) tại Hồng Kông Ho Hei-wah, thường những người phải tìm đến “nhà chuồng” là những người khốn khổ, nghèo túng hoặc thất nghiệp hoặc có thu nhập thấp. Tuy nhiên nhu cầu về chỗ ở hạ đẳng này đang tăng vọt một phần do tỷ lệ thất nghiệp tại Hồng Kông gia tăng. Theo thống kê, Hồng Kông có khoảng 100 căn nhà với những “chuồng” ngủ bằng sắt dành cho người nghèo.  

Một chủ nhà “thiết kế” căn hộ của mình thành 12 “chuồng” cho thuê ở bán đảo Cửu Long cho biết, nhu cầu thuê “chuồng” đang ngày một tăng. Mà khi nhu cầu tăng thì giá cũng tăng theo. Ngoài ra gia chủ này cũng thẳng thắn nói: “Nhà chuồng dù sao cũng còn tốt hơn vạ vật trên phố hay dưới gầm cầu”. Ông Kong Siu-kau năm nay 63 tuổi phải sống dựa vào lương hưu. Mỗi tháng ông này phải bỏ ra 150 USD để thuê một “chuồng” để ngủ. Ông Kong cho biết, đây là loại hình nhà ở thấp nhất ở Hồng Kông, chỉ khá hơn việc ngủ ngoài đường.

Không những thế, giá cho thuê những nhà “quan tài” này cũng tăng giá leo thang bởi sự suy thoái kinh tế. Ước tính, hiện khoảng 100.000 người nghèo Hồng Kông đang phải trả tiền để mỗi tối có một chỗ ngả lưng như vậy. Và nghịch lý nhất là giá thuê tính theo mét vuông, thậm chí còn cao hơn ở các khu đẹp đẽ, trung tâm. Thống kê cho thấy, giá thuê “nhà quan tài” lên đến 280 đô la Hồng Kông (tương đương 36 USD/m2), trong khi một căn hộ khu chung cư cao cấp nhìn ra biển cũng chỉ khoảng 210 đô la Hồng Kông (tương đương 28 USD/m2). Như vậy, với tiền thuê “chuồng ngủ” hàng tháng khoảng 1.000 đến 1.500 đô la Hồng Kông, những người thu nhập thấp này gần như mất 40% thu nhập.

Vấn đề “nhà quan tài” đang dấy lên trong dư luận Hồng Kông như là một hình ảnh rõ nét cho thấy sự tương phản giàu nghèo đến mức báo động. Theo báo cáo về phát triển con người năm 2008 của Liên hợp quốc, trong số các thành phố châu Á, Hồng Kông là nơi có hệ số Gini (đo sự tương phản giàu nghèo) cao nhất, thậm chí “vượt xa ngưỡng báo động”. Hồng Kông đang ngày một phát triển, và những con người này vẫn đang lầm lũi sống đằng sau sự xa hoa lộng lẫy của một trung tâm thương mại lớn có tiếng trên thế giới này.