Phía sau cuộc khủng hoảng của Mỹ

ANTĐ - Trước giờ G của cơn ác mộng vỡ nợ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thỏa hiệp tạm thời. Tuy nhiên, cuộc đấu quyền lực sẽ vẫn tiếp diễn vì nó phản ánh thực tế cuộc đấu tranh vì sự tồn tại và lợi ích đảng phái chưa bao giờ ngừng nghỉ ở Mỹ.

Theo nhiều báo phương Tây, yếu tố dẫn đến tình trạng bế tắc chính trị hiện nay khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, khiến nước Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ và làm chính trường Mỹ chao đảo là yêu sách của nhóm siêu bảo thủ trong Đảng Cộng hòa, gọi là Tea Party - Đảng Chè. Phong trào này nổi lên trên chính trường Mỹ vào năm 2009 và giờ trở thành một lực lượng trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Nhưng không thể xem đây là đảng chính trị chính thống vì Tea Party không thống nhất bao gồm hàng trăm nhóm quy mô khác nhau, chủ trương hành động tùy theo từng địa phương. Nhà nghiên cứu Justin Vaisse thuộc Viện Brookings nhận định Đảng Chè là sự kết hợp giữa hai trào lưu chính trị Mỹ: chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo thủ, chống lại việc Nhà nước tăng tầm ảnh hưởng lên nền kinh tế, xã hội.

Cái tên Tea Party khởi nguồn từ sự kiện Boston Tea Party. Ngày 16-12-1773, người dân Massachusetts phẫn nộ vì các loại thuế chè từ London đã đổ toàn bộ chè trong các tàu chở hàng neo tại cảng Boston. Sự kiện này trở thành biểu tượng và là nguồn cảm hứng đến tận ngày nay cho những người Mỹ “khó chịu” khi bị Nhà nước đánh thuế. Những thành viên Đảng Chè là những người trung niên, có học thức và tài sản lớn hơn phần lớn dân chúng Mỹ. Nhiều phụ nữ tham gia đảng này, trong đó có cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin, ứng viên Phó Tổng thống từng tham gia liên danh tranh cử với ông John McCain. Đảng Chè quyết liệt chống lại kế hoạch của Tổng thống Barack Obama muốn tăng thuế đánh vào những người có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên, đồng thời muốn thâm nhập sâu vào đời sống chính trị nước Mỹ. 

Tại sao chỉ một phong trào chính trị nhỏ như Đảng Chè lại có thể thao túng phe Cộng hòa và làm khuynh đảo chính trường Mỹ như tờ Los Angeles Times giật tít “Tea Party muốn đưa nước Mỹ trở lại thế kỷ 18”? 

Chính giới Mỹ đang phải cảm nhận được “vị đắng” của Tea Party. Theo một số báo chí của Mỹ, Anh như The Washington Post, Bloomberg, The Guardian, nhóm nghị sĩ cực đoan của Đảng Chè đã đe dọa các thành viên Đảng Cộng hòa, kể cả Chủ tịch Hạ viện John Boehner, rằng sự nghiệp chính trị của họ sẽ tiêu tan nếu thiếu sự ủng hộ của họ. Hai nhật báo hàng đầu của Pháp là Le Monde và Libération cho rằng, Đảng Chè đã nắm thóp tất cả chuyện bầu bán của những nghị sĩ Cộng hòa. Các tổ chức liên kết với Tea Party đã theo dõi rất sát sao mọi việc liên quan đến nghị sĩ mà họ ủng hộ. 

Khởi đầu “sự cố chính trị” vừa qua, 80 thành viên nhóm này (chiếm một phần ba số dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện) đã ký tên vào một bức thư gắn việc bãi bỏ cải cách chăm sóc y tế với bất kỳ giải pháp nào giúp giữ Chính phủ hoạt động. Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện lúc đầu ngần ngại và bác bỏ kế hoạch này vì có thể khiến Chính phủ phải đóng cửa và Thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số sẽ không khi nào chấp nhận. Ngoài ra, họ cho rằng nếu làm vậy, phe Cộng hòa sẽ bị buộc tội đóng cửa Chính phủ. Đó là một mạo hiểm chính trị mà lãnh đạo phe Cộng hòa không hề muốn. Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2008, được New York Times dẫn lời: “Các thành viên Đảng Cộng hòa phải hiểu rằng chúng ta vừa thua trong cuộc chiến này, như tôi đã dự đoán vài tuần trước, rằng chúng ta sẽ không thể thắng vì chúng ta đã yêu cầu điều mà không thể có được”. 

Cuộc khủng hoảng vừa qua không đơn thuần phản ánh những bế tắc về chính trị hay ngân sách mà Mỹ đang phải đối mặt, mà còn hé lộ phần nào nền tảng quyền lực dựa trên truyền thống đấu đá đảng phái chính trị lâu đời ở Mỹ, đã đẩy Mỹ vào tình huống phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín cũng như vị thế quốc gia. Nhiều nhà phân tích cho rằng, phần lớn dân chúng Mỹ đã không tin tưởng Tea Party, không tán đồng những giải pháp bảo thủ, nay dân Mỹ đã nổi giận và rất có thể họ sẽ thể hiện thái độ bất bình của mình qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014 (bầu lại toàn bộ 435 nghị sĩ tại Hạ viện, 1/3 Thượng viện và 1/3 các Thống đốc bang). 

Theo con số của Trung tâm nghiên cứu Public Policy Polling, trong cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo, Đảng Cộng hòa có thể bị thất thủ ở 24 vùng và mất sự ủng hộ của cử tri trong các bang then chốt như Ohio, Florida, Iowa. Các vùng mà Đảng Cộng hòa có thể bị thất bại còn có New York và California. Trong khi để toàn quyền kiểm soát Hạ viện, Đảng Dân chủ chỉ còn thiếu có 17 ghế.