Phí trên đầu phương tiện: Khó có thể “cõng” hết

ANTĐ - Từ ngày 1-6 tới, người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ sẽ phải đóng thêm một loại phí mới. Trong khi đó, Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ thêm nhiều loại phí khác với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã thu Quỹ bảo trì thì nên bỏ các loại phí như lưu hành phương tiện.

Phí trên đầu phương tiện: Khó có thể “cõng” hết  ảnh 1
Sau khi có Quỹ bảo trì đường bộ, chất lượng đường sá có được nâng lên?

Thấp thỏm phí

Sau nhiều tranh luận, phí bảo trì đường bộ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Mặc dù, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, mức phí cụ thể sẽ được Bộ GTVT bàn bạc với Bộ Tài chính sau đó đi tới thống nhất. Tuy nhiên, theo tờ trình kèm theo Quỹ bảo trì đường bộ trước đó, Bộ GTVT đề xuất nếu thu trực tiếp từ đầu phương tiện đường bộ sẽ đạt khoảng 5.987 tỷ đồng/năm, chia làm 7 nhóm phương tiện. Mức phí trên đầu một xe loại nhỏ khoảng 180.000 đồng/tháng, trước mắt đóng qua các kỳ đăng kiểm. Mức thu cao nhất với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Mức thu hàng năm dự tính với xe gắn máy từ 100.000-150.000 đồng/tháng, sẽ do các địa phương tổ chức thu.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Cụ thể, theo phương án thu phí lưu hành, với xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm. Riêng với 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng đề xuất thu với xe máy, từ  500.000 - 1 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (miễn thu phí với các loại xe công và xe buýt), dự kiến 30.000 đồng/lượt với ô tô 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt với các loại ô tô còn lại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu tất cả các đề xuất về các loại phí của Bộ được ban hành thì tới đây một chiếc xe sẽ phải “cõng” hàng chục thứ phí. Cụ thể, ông Hùng tính toán, hiện nay ở Hà Nội mức phí trước bạ đối với ô tô chở người là 20%, lệ phí cấp biển ô tô 20 triệu đồng. Chỉ tính riêng hai khoản này một chiếc xe có giá 400 triệu đồng cũng đã tốn 100 triệu đồng tiền phí. Thêm vào đó, muốn lăn bánh mỗi năm còn phải đóng 20 triệu đồng tiền phí lưu hành, khoảng 2-16 triệu đồng cho quỹ bảo trì đường bộ rồi hàng loạt những khoản tiền khác như phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, thuế môi trường 1.000 đồng/lít, phí kiểm định, phí bảo hiểm… Thêm hai loại phí mà Bộ GTVT đang đề xuất đi vào thực tế thì ô tô, xe máy sẽ gánh khoảng 9 loại phí.

Không nên thu thêm phí lưu hành

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phương tiện cơ giới hiện đang phải “cõng” quá nhiều loại phí, nhiều chuyên gia cho rằng, nên bỏ phí lưu hành phương tiện hoặc giãn thêm một thời gian. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Liên Bộ sẽ cân đối có bao nhiêu phí, có chồng chéo nhau không trước khi xây dựng đề án thu phí lưu hành phương tiện. Phí bảo trì cho mục đích bảo dưỡng, sửa chữa, phí lưu hành cho đầu tư xây dựng mới”. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, sau khi làm việc, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến xử lý từng loại phí, thống nhất sẽ làm đề án phí lưu hành phương tiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để bổ sung vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí. Đề án Quỹ bảo trì đường bộ xây dựng 3-4 năm, nhưng đề án thu phí phương tiện sẽ đẩy nhanh hơn. Còn về việc có xem xét giảm mức thu phí hoặc bỏ thu phí với xe máy hay không và đánh giá tác động ảnh hưởng của phí về mặt xã hội, sau đó các bộ, ngành sẽ có ý kiến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đã thu Quỹ bảo trì đường bộ thì không nên thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. Bộ GTVT đề xuất thu phí này nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng với một loạt thuế, phí được nâng kịch trần vừa qua, riêng lượng tiêu thụ xe trong nước tháng 1-2012 đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu thu thêm phí nữa là vô lý, phí chồng phí, ô tô xe máy không thể “cõng” nổi.

Chất lượng đường có tốt hơn?

Là người có ô tô, tôi cảm thấy nản khi phải đóng quá nhiều loại phí. Phấn đấu mãi mới mua được ô tô mà nay phải oằn lưng ra đóng phí thì không khéo chẳng dám đi xe nữa. Thêm loại phí để thêm ngân sách liệu có phải là cách làm tốt nhất, trong khi nếu quản lý tốt sẽ thu được nhiều tiền thất thoát hàng năm. Người ta bảo xe đi lại làm hỏng đường thì phải đóng phí, thế đường làm xong chưa kịp đi đã hỏng thì ai chịu phí đây? Tăng thêm các loại phí chất lượng đường có hơn cũ không?

Đào Kim Cương (29 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội)

Xe chạy được, cơm ít đi

Theo tôi, các loại phí không thể thay đổi được ý thức. Thu thuế vào nội thành không có nghĩa là sẽ giảm được lượng phương tiện. Muốn đi xe máy thì phải đóng bảo hiểm, giá xăng vừa tăng vọt đã lo sốt vó, nay lại đóng phí nữa thì đương nhiên để xe chạy được thì người phải ăn ít đi. Hơn nữa lại sắp “cõng” thêm các loại phí mới liệu có hợp lý, có làm tăng lạm phát, người dân sẽ rất mệt mỏi.

Đỗ Mạnh Hùng (24 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Kiến nghị lùi thời hạn thu Quỹ bảo trì

Hiệp Hội Vận tải Hà Nội vừa có kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và người dân khi thực hiện nghĩa vụ đóng các loại phí vận tải như: phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện, phí ra vào nội đô.

Theo đó, Hiệp hội đề nghị lùi thời hạn đến 1-1-2013 mới thu phí bảo trì đường bộ, đồng thời mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay. Năm 2014 sẽ thu phí bằng thẻ và về lâu dài nên thu phí bằng công nghệ tin học, xe chạy nhiều thu nhiều để đảm bảo công bằng. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội này cho rằng, Quỹ bảo trì đường bộ nếu thu ngay sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi giá điện, xăng dầu tăng. Hiệp hội cũng đề nghị miễn hoàn toàn hoặc có lộ trình thu phí xe máy với các đối tượng chính sách như thương binh và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp…