“Phi râu tóc bất thành Hồng Chương”

ANTĐ - Trong khi làng biến dần thành phố, nhà cao tầng nghễu nghện mọc lên giữa làng, thì vẫn còn người cố níu giữ cái sự cổ kính, xưa cũ, dù chỉ một phần rất nhỏ. Người đó chính là nghệ sĩ -  diễn viên Hồng Chương…

Dùng cạn “quỹ xê dịch”

Nghệ sĩ Hồng Chương (phải) trong phim “Đàn Trời”

Gọi điện cho lão nghệ sĩ Hồng Chương năm lần bảy lượt không thấy thưa máy. Nóng ruột, tôi bèn “phi” xe đến nhà ông xem sao. Đến cửa thì gặp con trai ông. Hỏi ra, mới biết, ông Chương nằm viện cả tháng nay, nhưng không phải bệnh tuổi già mà là trượt chân cầu thang, rạn xương. Tôi bèn đến thăm ông tại bệnh viện…

Chân bó bột, đi tập tễnh, Hồng Chương vẫy tôi lại gần :

- Này! Dù được xuất viện, thì có lẽ cũng phải “bắt vít” ở nhà thôi, Châu ạ!

- Bây giờ có tuổi rồi, bác đi lại phải cẩn thận.

Hồng Chương cười hơ hớ:

- Cẩn thận cũng không ăn thua. Chẳng qua tớ đã sử dụng tới đáy cái “quỹ xê dịch” từ lâu lắm rồi.

Câu nói có vẻ hài hước, nhưng có lý.

Ông là lứa diễn viên từ thời bao cấp. Ông và diễn viên  Văn Hiệp được xếp vào loại nhỏ thó, xấu giai. Nếu cứ theo quy chuẩn tuyển sinh ngày nay, thì hai ông chắc đã bị “bật bãi” ngay từ vòng loại. Ấy nhưng khi vào học, cả hai đều là sinh viên xuất sắc, đóng vai nào cũng lột tả được hồn vía của vai đó. Thậm chí có vai, Hồng Chương còn sáng tạo vượt ra khỏi kịch bản, khiến người xem được bữa cười hả hê, còn đạo diễn thì hoảng hồn, nơm nớp lo cấp trên “cạo gáy”...

Trước khi vào học trường Sân khấu - Điện ảnh, Hồng Chương đã có một thời gian dài là công nhân đường sắt. Nói công nhân cho nó “oai” chứ thực chất chỉ có mỗi việc vác   tà-vẹt đi dọc con đường. Không ngờ sau khi trút được thanh    tà-vẹt bằng sắt nặng trĩu, thì Hồng Chương lại phải vác “thanh tà-vẹt nghệ thuật” còn nặng hơn, cho đến suốt cuộc đời. Có lẽ vì thế mà “quỹ xê dịch” đã sử dụng không ít khi còn là công nhân đường sắt, đã bị diễn viên Hồng Chương sử dụng quá hào phóng trong cuộc đời nghệ thuật, dấu chân ông đã in trên khắp các nẻo đường đất nước.

Người đối diện thường có cảm tình với diễn viên Hồng Chương ngay từ những phút đầu tiên bởi nom ông nhang nhác giống... ông tiên, râu tóc trắng xóa, nụ cười đôn hậu. 

Hình ảnh Hồng Chương đã “bắt vít” vào tâm trí người xem. “Phi râu tóc bất thành Hồng Chương”, có lần Hồng Chương đã hài hước mà ví von như vậy.

Giữ một mảnh hồn làng

Lão nghệ sỹ quyết giữ gìn “một mảnh hồn làng”

Quê của nghệ sĩ Hồng Chương ở làng Hoàng Mai, Hà Nội. Mỗi khi có khách đến chơi, ông hay kể cho họ nghe về quê hương, về những ngôi nhà cổ với cửa bức bàn, mái lợp ngói mũi hài... bao giờ cũng thế, kết thúc câu chuyện là sự tiếc nuối cứ ngấn lên trong mắt ông. Có lẽ ông nhớ về ngôi nhà ngày xưa của mình. Khu nhà ông ở tuy không còn cái cổ kính xưa kia, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cái cổng “tò vò” rêu phong và bên cạnh có một cây ổi đã rất già - một cây “ổi ta” hiếm hoi còn sót lại. Khu đất ông đang ở, xưa là ngôi nhà năm gian cổ kính treo đầy hoành phi, câu đối, nhưng nó đã không còn từ hơn chục năm nay.

Thời gian ấy, gia đình ông có hai sự lựa chọn. Giữ lại ngôi nhà cổ (đồng nghĩa cả khu đất ngôi nhà toạ lạc) thì con cháu không học hành đến nơi đến chốn, không có điều kiện để có nhà riêng. Còn nếu bán nhà, bán đất thì xót xa, đau đớn, tiếc nuối. Tính đi tính lại, gia đình ông chấp nhận mất ngôi nhà cổ. Nhưng ông một mực giữ lại cái cổng, coi nó như vật bất khả xâm phạm. Giải thích về hành động này ông bảo: Cái cổng rêu phong cũ kỹ ấy, nó chính là hồn cốt của gia đình ông, chính là hồn cốt của làng. Nói cách khác, đó là một mảnh hồn làng. Cái cổng cũ kỹ này, chỉ có người già mới thấu hiểu sự quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của con người.