Phí quá vô lý

ANTĐ - Mức phí các dự án BOT giao thông đang “đẻ” ra những bất hợp lý như cơ cấu mức phí, trạm thu phí đặt ở đường này để thu cho đường khác; các trạm không đảm bảo khoảng cách 70km; nhiều tuyến đường chỉ cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn thu phí bằng đường làm mới hoàn toàn. Đây là nỗi bức xúc dai dẳng của giới doanh nghiệp và người dân.

Nếu không có dự án BOT tất nhiên sẽ không có đường tốt để đi. Song, trạm thu phí dày đặc, mức phí cao sẽ làm giá cước vận tải tăng lên, đánh vào hàng hóa, vào người dân. Có những đoạn đường tiền phí đắt hơn tiền xăng dầu. Với số trạm thu phí mọc lên chi chít, một xe đầu kéo từ TP.HCM ra Lạng Sơn đã hết hơn 8 triệu đồng tiền phí cầu đường.

Kể từ ngày 1-6, thêm 8 trạm thu phí nữa thì khoản phí trên tuyến này bị đội lên gần 12 triệu đồng/chuyến hàng, doanh nghiệp làm sao chịu đựng nổi. Chưa hết, việc tính phí lại theo kiểu đánh đồng, áp dụng một mức phí cho xe có chở hàng và xe không chở hàng như nhau. Đó là chưa kể, số trạm thu phí không đủ khoảng cách tối thiểu 70km đang đua nhau dựng lên, thu phí đường này “nuôi” đường khác.

Điều gây nhức nhối người dân và doanh nghiệp vận tải là tại sao có những tuyến đường chủ đầu tư chỉ bỏ ít tiền nâng cấp, “tân trang” nhưng vẫn thu phí như đường làm mới từ đầu? Về lý, nhà đầu tư BOT phải bỏ tiền túi xây dựng mới 100% thì mới được thu phí. Còn đường cũ Nhà nước không thu phí, dùng tiền thuế của dân để duy tu, bảo dưỡng. Thế nhưng người ta cố tình quên mất phần “công” trong kiểu hợp tác công - tư để nhằm thu phí những tuyến đường “nửa nạc, nửa mỡ” này.

Có nghĩa là nhà đầu tư “vô tư” coi đây là đường mới tinh, nghiễm nhiên thu phí toàn bộ, không hề bớt đi đồng nào. Thực ra, một số chuyên gia đã thẳng thắn chỉ rõ không ít nhà đầu tư thuộc dạng “tay không bắt giặc”, vốn liếng chẳng là bao, chủ yếu chạy vay ngân hàng, đồng nghĩa với việc phải trả lãi, khiến giá thành BOT gia tăng. Cuối cùng, người dân, doanh nghiệp phải móc tiền ra trả cho cái khoản này.

Trong hoàn cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, các công trình BOT với nguồn vốn xã hội hóa có ý nghĩa to lớn trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, giúp lưu thông hàng hóa, hành khách thuận lợi hơn. Tuy nhiên không phải vì thế mà các trạm thu phí lại chính là những rào cản dựng lên vô tội vạ với những vô lý không thể chấp nhận được.

Bởi vậy, việc Chính phủ giao Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương rà soát lại mức phí đường bộ, phí BOT, đề xuất mức điều chỉnh hợp lý được đánh giá cao và đem lại hy vọng cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.