“Phi giãn dân bất thành di sản”

ANTĐ - Một cuộc đối thoại trực tiếp giữa những nhà quản lý và người dân làng cổ Đường Lâm vừa được tổ chức. Cuộc đối thoại được kỳ vọng rằng, sẽ là dịp để hai bên hiểu nhau hơn, cùng ngồi lại với nhau có để có tiếng nói chung trong bảo tồn làng cổ. 

Người dân Đường Lâm chưa được hưởng lợi chính đáng từ hoạt động du lịch

Để giải được bài toán cho di tích sống này không phải chuyện đơn giản, bởi lẽ, nó bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Một mối mâu thuẫn khiến các nhà bảo tồn xưa nay vẫn đau đầu tìm trăm phương ngàn cách để hài hòa. Không phải là di tích tĩnh như đình đền chùa miếu mà bảo “cấm vi phạm dưới bất kỳ hình thức nào” là xong, bởi Đường Lâm còn là một thực thể sống, người dân Đường Lâm cũng phải dựng vợ gả chồng cho con, rồi các thế hệ này tiếp nối thế hệ kia sinh ra và lớn lên. Trong khi, nhà cổ ở đây 100% bằng gỗ, mấy trăm năm tồn tại cũng phải xuống cấp, cũng bị mối mọt, có cái gì bền vững mãi mãi qua thời gian đâu? Cách Đường Lâm chừng hơn 1km là thị xã Sơn Tây đang hối hả phát triển, nhà cao tầng nối nhau mọc, trời tiết Hà Nội nắng nóng như mấy hôm vừa qua thì đã có điều hòa nhiệt độ. Đằng này, nhà cổ Đường Lâm nắng thì hứng nắng, mưa mà chưa kịp đảo ngói thì trong nhà ngoài sân ướt như nhau. Đấy là còn chưa kể, mấy thế hệ ở chung trong một ngôi nhà, không gian riêng không có, cũng bí bách, ra đụng vào chạm lắm chứ. 

Rồi lại còn chuyện cái nhà vệ sinh. Khách du lịch vào nhà cổ Đường Lâm khi có tâm tư muốn tìm nhà vệ sinh thì người nọ bảo người kia rằng… “cố nhịn”, bởi cái nhà vệ sinh cũng… cổ. Nhà cổ thì bảo phải giữ, chứ còn cái “nhu cầu chính đáng” kia nhất định phải có một nơi sạch sẽ và hiện đại. Khách ta thì nhắm mắt bịt mũi, bảo bỏ quá, thông cảm cho nhau. Chứ khách Tây mà vào một lần cứ gọi là… ấn tượng đến muôn đời! Gọi là dịch vụ thì cũng hơi quá, nhưng thấu được hoàn cảnh của du khách, mấy quán nước trước cửa đình Mông Phụ giờ kiêm thêm cả tư vấn địa điểm để khách “giải quyết nỗi buồn”. Nỗi khổ của làng cổ là thế đấy!

Vậy là, nhiều hộ gia đình cũng bí bách mà làm liều, vượt rào xây nhà…Việc xây dựng trái với quy định của Luật Di sản, Quy chế quản lý Làng cổ, đương nhiên chính quyền địa phương phải cho cưỡng chế và phá dỡ - cũng là việc làm cực chẳng đã mà thôi. Sự thật là sau nhiều năm làng cổ được nâng tầm lên di sản, người dân còn thắc mắc, vì sao thu vé tham quan 15 nghìn đồng/khách mà các hộ dân trong làng không được hưởng. Trong khi khách du lịch đến làng gây bao nhiêu phiền toái. Họ hàng của dân làng vào làng ăn cỗ giỗ cũng bị chặn lại ở cổng bắt mua vé. Người dân đi lễ chùa Mía cũng bị hoạnh họe: “Vé đâu?”.  

Câu hỏi lớn nhất mà người dân đặt ra cho chính quyền UBND thị xã Sơn Tây và Sở VH-TT&DL Hà Nội là: “Chúng tôi sẽ được hưởng lợi gì khi làng được công nhận làng cổ, bởi lẽ từ khi được công nhận đến nay, đời sống làng quê không hề được cải thiện mà ngày càng trở nên bức bối” và “khi nào thì có kế hoạch giãn dân?”. Câu hỏi của người dân cũng chính là chìa khóa để giải quyết mối mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nói nôm na là “phi giãn dân bất thành di sản”. Ngay trong cuộc họp “nóng”, đại diện lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cho biết, chính quyền xã đang tiếp tục trình lên UBND TP Hà Nội kế hoạch xây dựng bảo tồn làng cổ. Trong đó, đáng chú ý là dự án giãn dân với tổng diện tích lên tới 10ha tại thôn Phụ Khang, đường Văn Thánh. Nói như ông Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Minh Tiến, khi Đường Lâm đã được công nhận là Di sản Quốc gia thì phải chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản, việc giải quyết mối tương quan giữa việc gìn giữ làng cổ và đảm bảo điều kiện sống cho người dân cần phải hết sức thỏa đáng.  Thế nhưng, trong khi phương án quy hoạch đồng bộ còn chưa có, thì ở Đường Lâm bây giờ nhà mới, nhà cũ đan xen. Chất lượng cuộc sống của người dân trong nhà cổ thì tụt dốc, ngôi đình có tới mấy trăm năm như đình Cam Thịnh chỉ chờ ngày sập xuống mà cũng chưa có phương án tu bổ. Tất cả cứ chờ thôi!