Phí đường cao tốc: Bộ nói thấp, doanh nghiệp kêu cao

ANTĐ - Trong khi Hiệp hội Vận tải và các doanh nghiệp (DN) vận tải phía Nam phản ứng về mức phí đường cao tốc quá cao, thì ngược lại, ở phía Bắc, Hiệp hội Vận tải cho rằng, mức phí hiện nay là hợp lý. Bộ GTVT cũng khẳng định, sẽ không giảm phí cao tốc, thậm chí Bộ này đang tính thu thêm phí trên QL1A.

Sẽ không giảm mức thu phí đối với đường cao tốc

Mức phí thấp nhất khu vực

Trung Lương - TP Hồ Chí Minh là tuyến đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được đưa vào sử dụng từ 2 năm nay, vừa qua, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho thu phí, với mức thu 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe từ 12 chỗ ngồi trở xuống), lũy tiến theo tải trọng xe. Mức thu thấp nhất trên cao tốc này là 40.000 đồng, cao nhất là 320.000 đồng đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet. Tuy nhiên, mức thu này vừa đưa vào áp dụng thì các DN vận tải phía Nam đã phản ứng dữ dội. Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT giảm mức phí.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ này sẽ không giảm. “Phí hiện nay đang áp dụng với cao tốc Trung Lương là thấp nhất so với các nước khu vực. Ví dụ, Trung Quốc đang thu phí cao tốc là 1 nhân dân tệ/km/xe tiêu chuẩn. Mức phí trên là hoàn toàn phù hợp với thu nhập của người Việt Nam”. Ông Trường cho hay, hiện, phía Bắc, Bộ GTVT cũng đã thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với mức thu là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, nhưng cho đến nay, phía Bộ không nhận được sự phản ánh nào của các DN phía Bắc, song cao tốc Trung Lương thu thấp hơn thì các DN phía Nam lại có ý kiến. Hơn nữa, mức phí trên đã được Bộ Tài chính tính toán, cân nhắc và được Chính phủ thông qua. Bộ cho rằng, mức thu như vậy là hợp lý, cần phải tổ chức thu để hoàn vốn, và có vốn đầu tư phát triển các đường cao tốc khác như Chính phủ đã đưa ra. 

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - Bùi Danh Liên cũng cho rằng, thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình như hiện nay là hợp lý. Từ ngày tổ chức thu đến nay, phía hiệp hội chưa nhận được phản ánh nào từ các DN vận tải liên quan đến mức phí cao hay thấp. “Các DN vận tải không nên phản ứng quá dữ dội với mức phí thu đường cao tốc như trên. Xây dựng cầu đường Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa, một mình Nhà nước không thể đảm đương hết được. Hơn nữa, mức phí trên cũng đã được Bộ Tài chính thẩm định, xem xét, dựa trên tổng số vốn đầu tư, tính toán lượng xe, cân đối trong vòng bao nhiêu năm có thể hoàn vốn. Như vậy là sòng phẳng, đảm bảo công bằng xã hội, người đi nhiều phải đóng nhiều, người đi ít thì đóng ít”. 

Tăng phí trên QL1

Tới đây, Bộ GTVT sẽ chủ trương tăng mức thu phí trên QL 1A, chủ trương này vừa được Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam trình lên Bộ GTVT. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng TCĐB cho biết, sau một thời gian triển khai thu phí trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, một lượng lớn phương tiện đã chuyển sang lưu thông trên QL1 để giảm chi phí. Trước khi thu phí đường cao tốc, lưu lượng xe khoảng 6.797 xe/ngày đêm, sau khi thu phí trên đường cao tốc, lưu lượng xe khoảng 14.546 xe/ ngày đêm. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, gia tăng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trên đoạn tuyến QL1. “Cần xây dựng mức thu phí tại trạm Trung Lương đặt tại Km 1953+200 QL1 trên nguyên tắc điều hoà lượng xe giữa đường cao tốc và QL1, đảm bảo công bằng và không ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải cũng như việc đi lại bình thường của người dân trong khu vực”. Theo đó, TCĐB đề xuất mức thu bằng 1,5 lần mức thu cơ bản áp dụng cho các trạm ngân sách Nhà nước, từ 15.000-100.000 đồng/lượt.

Lý giải về vấn đề này, ông Trường cho rằng, thu phí trên QL1 để “chia lửa” cho cao tốc Trung Lương, nếu không các lái xe sẽ dồn hết vào QL1 gây tắc nghẽn. Hơn nữa, QL1 từ Bình Chánh đến Trung Lương đã mở rộng 4 làn xe, vốn đầu tư lớn, thu phí để chia sẻ bớt lượng xe đi sang đường cao tốc, để khai thác tốt hơn con đường này, nhanh chóng hoàn vốn cho cao tốc Trung Lương. “Sắp tới, Bộ sẽ thu phí tiếp đường QL1, ngoài ra, tại đề án mở rộng QL1 từ nay tới 2016, Bộ đã trình Chính phủ phương án thu phí trên QL1 bằng 75% so với đường cao tốc để thu hút các nhà đầu tư”, ông Trường cho biết.