“Phi đội” hỏa thiêu ở nghĩa địa

ANTĐ -Từ thượng cổ đến giờ mới có nghề lạ lùng đến thế. Phóng hỏa thiêu đốt tất cả những gì chủ nhân thuê làm.

“Ô sin” cõi âm.

Không gian u tịch ở nơi nghĩa địa luôn làm cho cảnh vật thêm lạnh lẽo, khói hương nghi ngút làm cho cõi vĩnh hằng khoác một mầu tang chế. Nỗi buồn còn vương vấn trong mỗi người thân đến với khu nghĩa địa vào mỗi kỳ, ngày cần nhang khói. Song, tất cả nhịp sống cõi trần gian như đang kết hợp với âm thế làm cho nơi này trở lên sống động. Chẳng ai ngờ rằng nơi khí âm nhuốm đặc ở nghĩa trang Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội lại là nơi khởi nguồn của những nghề tưởng như sẽ không bao giờ có trong “sách nghề”. Nghề dọn dẹp lau chùi bia mộ, nghề tìm mộ, và nghề thiêu đốt vàng mã thuê…

Một thanh niên dáng người nhỏ thó, chừng 27 tuổi lủi thui theo những người khách trong nghĩa địa, đợi cho những đốm hương tàn để xin làm việc giúp. Khi hỏi tên thì người thanh niên lảng tránh, không muốn trả lời: “Anh có cần hóa vàng mã không, để em giúp…”. Câu mời của người thanh niên nói với một nhóm người đang bê mâm vàng mã đầy, làm cho người chưa từng gặp cảnh này thấy lạ, và làm cho người quen đã hiểu.
Trên tay người thanh niên luôn sẵn chiếc gậy sắt, một bên nắm chiếc bật lửa như sẵn sàng làm việc trước mắt, nếu như chủ nhân gật đầu, đồng ý.

Dịch vụ ở nghĩa trang giờ đã trọn gói tất cả

Mang câu chuyện ra một quán nước trong nghĩa địa để lấy câu trả lời, tôi được người bán nước cười và nói: “Điều đó có gì lạ đâu, ở đây dịch vụ gì chả có”. Vậy là, áp lực trong cuộc sống không còn ở trên dương thế, mà đã lan xuống tận cõi âm. Người ta đã hiểu được sự bận rộn thường nhật của mỗi chủ nhân có mộ phần nơi nghĩa địa, nên đã thức thời nghĩ ra để chia sẻ, đồng thời kiếm chút lộc hay công sá từ việc chủ nhân thuê làm. Đốt vàng mã, hay tìm mộ thuê giờ đã như một nghề thiết thực ở nghĩa địa này.

Chị Trần Thị Hằng ở thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, một trong những người chuyên đi làm dọn dẹp tại nghĩa trang cho biết: “Chúng tôi làm việc mà người ta thuê, việc gì cũng làm cả, từ dọn dẹp đến sơn sửa, chăm sóc cây hoa…”. Công việc của những người dân đôn hậu đồng áng giờ gần như đã chuyển sang nghề mới dễ kiếm sống hơn. Đó là thường ngày đứng đợi ở bênh góc cổng nghĩa trang để chờ người ta thuê dọn dẹp. Rồi từ nhu cầu của cuộc sống đặt ra ở nơi này đã xuất hiện cả chợ búa sầm uất trong nghĩa trang nữa. Thực ra, chợ thì vẫn thế, cách họp hành mua bán chẳng khác chợ nơi khác, song nó cứ gây ám ảnh cho nhiều người bởi nơi đáng lẽ được yên lành thì giờ cũng chẳng thể yên được nữa.


Nhịp sống hối hả dương thế cuốn theo xuống cả cõi âm.

Những người làm thuê ở nghĩa trang Bất Bạt, Ba Vì

Câu chuyện ghi ở nghĩa trang Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội đã làm nhiều người sống phải chạnh lòng, mặc dù đó là sự thật đang có ở nơi này. Chẳng có cớ tránh người làm thuê, cũng chẳng có cớ trách người thuê làm. Có chăng chỉ trách cái nhịp sống hổi hả làm chuyên tất cả đều phải cuốn theo. Giờ sự quá tải áp lực đã không dừng lại ở cõi dương gian mà đã lan xuống tận âm thế. Sự tranh giành, hơn thua của người sống đang làm ồn ã giấc ngàn thu của người chết bằng những cuộc khoe tiền của. Nhà mặt phố của người sống giá đắt đỏ thì mộ mặt lối đi ở nghĩa trang cũng có giá đắt đỏ.

Rồi thì cái ham hố của người sống đã kéo xuống đến tận sâu thẳm cõi âm. Cuộc tìm kiếm mặt tiền hay dãy đẹp của mộ phần cũng trở nên ồn ào và không kém căng thăng do người sống đặt ra. Thế đấy, mặt tiền của mộ phần nơi yên nghỉ của người đã khuất giờ đã làm cho nhiều người phải toan tính đắn đo. Người ta bảo, mộ nằm mặt tiền thì dễ tìm, không phải thuê tìm mộ lạc, tiện hương đăng thì tiền đắt, điều đó không phải bàn cãi. Mà mua nơi tiền ít thì đồng nghĩa với việc khó khăn, bởi sự xáo trộn từ cuộc sống của người sống làm nên, điều này cũng dễ hiểu.

Sự gia tăng “dân số” ở nghĩa địa đồng nghĩa với sự đổi thay, xây mới, tu tạo…trên diện tích hàng trăm ha như nghĩa trang Bất Bạt cũng đã gây nên nhiều khó khăn cho người bận bịu công việc, mà không thường xuyên trở về hương đăng mộ người thân được. Vậy là, áp lực trong cuộc sống thường nhật, đã vô tình cuốn theo áp lực ngay cả đối với người đã khuất, để rồi đến việc chăm chút cho mộ phần của người thân cũng trở thành một việc hình thức.

  Mọi thứ giờ đây gói gọn trong chữ "tiền" là xong

“Có nhiều người bị lạc mộ người thân không chị?” “Nhiều chứ, tôi tìm hộ nhiều người rồi mà. Chỉ vài tháng mà không đến đây thì đã khác rồi. Sự thay đổi diễn ra trong thời gian ngắn có khi trong vòng một tháng thôi là người ít chú ý cũng khó xác định được hướng mộ của người thân nằm vị trí nào rồi”- chị Hằng- một người làm công việc dọn dẹp tìm mộ thuê nói.

Thực ra hỏi thế thôi chứ ngay công việc mà những người ở đây đang đợi trong mỗi ngày là câu trả lời chính xác nhất rồi. Không có nhu cầu thì sao lại có người cung ứng. Chính những người đang làm cũng không thể sáng tạo ra công việc của họ làm, mà do chính những nhu cầu từ thực tế mà những người cần họ đã sáng tạo ra. Phải thừa nhận một cách công bằng, nhu cầu hay đáp ứng thì cũng đều xuất phát từ áp lực cuộc sống cả. Công việc bận rộn, cộng với xu thế hình thức trong tư duy cách nghĩ mỗi người đã làm cho hình thành những việc mà dần trở thành nghề ở nơi nghĩa địa bao la này. Đốt vàng mã thuê, hay tìm mộ thuê… nghề này có lẽ sẽ chỉ không còn khi người sống thay đổi cách nghĩ rằng chỉ cần nén tâm nhang là điều cần làm hơn tất cả đối với cõi thiêng liêng này.