Phí “đi” theo thị trường

ANTĐ - Thảo luận về dự thảo luật phí và lệ phí tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất thay thế pháp lệnh không còn phù hợp với thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí thu cao, gây bức xúc dư luận như lệ phí hải quan, học phí, phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè...

Qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, có nhiều quy định đã không còn phù hợp, một số khoản phí trùng lặp với khoản thu khác. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất loại bỏ, đưa ra khỏi danh mục 18 loại phí và 12 loại lệ phí. Tán thành với nhiều đề xuất mà cơ quan soạn thảo nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc rà soát để loại bỏ và bổ sung một số khoản phí và lệ phí là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, khi thẩm tra dự thảo, Ủy ban đề nghị cần tiếp tục rà soát loại bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp nhưng chi phí thu cao, nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí. Đồng thời, một số khoản phí không hợp lý, có thể gây bức xúc cho người dân như phí sử dụng hè phố, lòng đường, lề đường... cũng nên xem xét loại bỏ.

Riêng với viện phí, học phí, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí chuyển 2 loại phí này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật để thực hiện theo cơ chế thị trường. Đánh giá về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ, trong danh mục có đến 51 loại phí, 39 lệ phí, trong khi luật tương tự của Thái Lan chỉ quy định có 6 nhóm. Không có nước nào quy định danh mục nhiều như Việt Nam. Có nhiều loại phí nước ta hoàn toàn có thể chuyển sang phí dịch vụ. Phạm vi điều chỉnh theo dự thảo luật bao gồm cả phí, lệ phí do các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước là quá rộng, chưa thực sự phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong một số lĩnh vực cần khuyến khích. Do vậy, cần phải quy định và giải thích rõ ràng trong luật để người dân hiểu thế nào là phí và lệ phí.

Mục đích của dự thảo luật nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân. Đây là bước đệm quan trọng để chuyển đổi mạnh mẽ phí và lệ phí theo cơ chế thị trường, hạn chế tình trạng lạm thu, sử dụng nguồn thu thiếu minh bạch, hiệu quả.