Phi công “gác lái” - nguy cơ cho an toàn hàng không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Hôm 15-9, một chuyến bay thuộc hãng hàng không Lion Air của Indonesia chở 307 hành khách và 11 phi hành đoàn đến thành phố Medan, miền Bắc nước này vừa hạ cánh trong giây lát đã chệch khỏi đường băng. Cuộc điều tra khiến cơ quan quản lý an toàn giao thông của nước này cho thấy phi công trong 90 ngày trước đó đã bay chưa đầy 3 tiếng đồng hồ.

Rất may, không ai bị thương trong sự cố đường băng của Lion Air. Vụ việc cho thấy nguy cơ đang nổi lên từ đại dịch Covid-19: Các phi công không có đủ cơ hội để bay vì các hãng hàng không phải tạm ngừng phi đội máy bay và thu hẹp hoạt động do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm.

Nhiều đội bay của các hãng hàng không phải “nằm đất” vì nhu cầu giảm trong đại dịch Covid-19

Nhiều đội bay của các hãng hàng không phải “nằm đất” vì nhu cầu giảm trong đại dịch Covid-19

Kinh nghiệm nhưng không được cọ xát

Trong báo cáo sơ bộ của mình, Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia Indonesia cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến việc duy trì trình độ và kinh nghiệm bay của phi công trở nên khó khăn hơn. Máy bay Lion Air gặp sự cố là một chiếc Airbus SE A330, một trong 10 chiếc trong đội bay của hãng. Vì Lion Air không có mô hình mô phỏng cho A330 nên các phi công của hãng được đào tạo tại các cơ sở của bên thứ ba ở Indonesia, Malaysia và Singapore. Các hạn chế đi lại của dịch Covid-19 đã làm cho việc này khó tiếp cận hơn.

Trong báo cáo sơ bộ về sự cố đối với máy bay Lion Air, cơ quan an toàn Indonesia đã nêu chi tiết kinh nghiệm của phi công, cách tiếp cận máy bay, điều kiện thời tiết và hạ cánh. Cơ trưởng là một huấn luyện viên bay Airbus A330 48 tuổi với khoảng 17.000 giờ bay; cơ phó 46 tuổi, từng làm cơ trưởng cho Thai Lion Air trước khi chuyển đến Indonesia vào tháng 3-2020, có số giờ bay tương tự.

Khi hạ cánh, phi công của chuyến bay 208 đã yêu cầu thay đổi đường băng do thời tiết mưa bão. Ở độ cao khoảng 300m, cơ phó giao quyền điều khiển cho cơ trưởng. Sau đó, ông này nhận thấy máy bay đã gần đến mép trái của đường băng và bảo cơ trưởng điều chỉnh. Phi công sử dụng bàn đạp bánh lái bên phải khi chạm xuống nhưng bánh đáp chính bên trái đã ra khỏi đường băng, làm hỏng hai đèn đường băng.

Báo cáo lưu ý rằng Tổng cục Hàng không dân dụng Indonesia đã ban hành một thông tư vào tháng 5 về việc kiểm tra khả năng thành thạo của phi công trong thời kỳ đại dịch, với một số miễn trừ và gia hạn nhất định do giới hạn về thời gian bay. Tuy nhiên, thông tư này không có hướng dẫn chi tiết cho các hãng hàng không về các trường hợp miễn trừ này.

Phi công cũng gặp khó vì đại dịch

Ông Mohan Ranganathan, một nhà tư vấn an toàn hàng không, từng là cố vấn cho Tổng cục Hàng không Dân dụng của Ấn Độ, cho biết: “Việc bay thường xuyên giúp tâm trí của bạn luôn ở trong buồng lái. Không được bay trong một thời gian dài như vậy tạo nên cảm giác tự mãn. Thêm việc mất thu nhập, không chắc chắn về việc làm hoặc tương lai của hãng hàng không khiến bạn thêm căng thẳng. Căng thẳng gia tăng, sự thông thạo giảm xuống”.

Theo ông Ranganathan, chỉ cần mất tập trung một vài giây, một chuyến bay an toàn có thể trở thành một vụ tai nạn. Nhưng sau khoảng một tháng bay thường xuyên, các phi công có thể lấy lại sự tự tin và trình độ kỹ năng của mình.

Công ty phân tích Cirium cho biết, gần 1/3 số máy bay chở khách trên thế giới vẫn nằm yên, chủ yếu đưa về sân bãi ở Australia và sa mạc Mojave của Mỹ. Mặc dù các thị trường lớn như Trung Quốc du lịch nội địa đã phục hồi nhưng lưu lượng khách quốc tế vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch vì các hạn chế biên giới và kiểm dịch bắt buộc. Hàng nghìn phi công đã bị sa thải và những người vẫn đang làm việc có số giờ bay ít hơn rất nhiều vì nhu cầu quá ít.

Sự bất cẩn của phi công cũng được giới chức an toàn hàng không hàng đầu của châu Âu cho là một yếu tố có thể xảy ra trong vụ rơi máy bay của Pakistan International Airlines Corp ở Karachi vào tháng 5-2020 khiến 97/99 người trên máy bay thiệt mạng. Nhận định về chuyến bay này, Giám đốc điều hành Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu Patrick Ky hồi tháng 9 nói: “Các phi công dường như không thông thạo cách điều khiển máy bay. Nếu bạn không bay trong 3 tháng, 6 tháng, bạn cần phải được đào tạo lại theo một cách nào đó để quay lại với công việc”.

Đồng quan điểm, tại một sự kiện vào tháng 10-2020, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Singapore Ravi Menon đã nói về tác động kéo dài của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không và các phi công không bay trong thời gian dài. “Nó không giống như bắt đầu sau khi nghỉ 2 tháng. Khi bạn nghỉ 2 năm, chuyện đó rất khác”, ông nói.

Ông Conrad Clifford, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, Hiệp hội đang xem xét hình thức bong bóng du lịch đặc biệt để phi công có thể truy cập các thiết bị mô phỏng, giúp duy trì chứng chỉ, kinh nghiệm và trình độ. Ngoài ra, phi công nhiều hãng đang được tham gia các cuộc họp trực tuyến để cập nhật những phát triển mới nhất, dù số giờ bay thấp.