‘Phép màu’ ở Myanmar: Người đàn ông được giải cứu sau 5 ngày dưới đống đổ nát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 2-4, lực lượng cứu hộ đã cứu sống người đàn ông khỏi đống đổ nát của một khách sạn ở Myanmar, 5 ngày sau trận động đất tồi tệ nhất trong một thế kỷ tại nước này. Động đất đã san phẳng nhiều khu phố, phá hủy các ngôi đền, cây cầu và đường cao tốc tại Myanmar.
Lực lượng cứu hộ đã cứu sống người đàn ông khỏi đống đổ nát của một khách sạn ở Myanmar

Lực lượng cứu hộ đã cứu sống người đàn ông khỏi đống đổ nát của một khách sạn ở Myanmar

Người đàn ông 26 tuổi này đã được nhóm cứu hộ chung của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy còn sống trong đống đổ nát của tòa nhà khách sạn ở Thủ đô Naypyidaw.

Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, ông Min Aung Hlaing cho biết thảm họa động đất đã khiến hơn 2.700 người thiệt mạng và số người chết dự kiến ​​sẽ vượt quá 3.000. Ngoài số nạn nhân thiệt mạng, hơn 4.500 người đã bị thương và 441 người vẫn mất tích, theo ông Min Aung Hlaing. “Trong số những người mất tích, hầu hết được cho đã tử vong. Cơ hội sống sót của họ là mong manh”, ông nói.

Gần tâm chấn, tại các thành phố Mandalay và Sagaing bị tàn phá, những người sống sót phải ngủ lại qua đêm trên đường phố, mùi tử khí bốc lên khắp khu vực thảm họa. Nước, thực phẩm và thuốc men đang thiếu hụt.

“Tác động tàn khốc của trận động đất hôm 28-3 trở nên rõ ràng hơn từng giờ. Myanmar đang trải qua cuộc khủng hoảng chồng chất, nơi tình hình nhân đạo đã rất tồi tệ”, Arif Noor, Giám đốc tổ chức nhân đạo Care tại Myanmar cho biết, “Các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, trong khi các bệnh viện quá tải. Những vết sẹo về thể chất và tinh thần của thảm họa này sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ”.

Trận động đất hôm 28-3 như một đòn giáng mạnh vào quốc gia nghèo đói với 53 triệu dân này, vốn đang phải gánh chịu cuộc nội chiến kể từ khi quân đội lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021.

Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết các bệnh viện đã quá tải và nỗ lực cứu hộ bị cản trở do thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nội chiến.

Bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Myanmar, kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức, cho phép tiếp cận nhân đạo và đảm bảo an toàn cho các nhân viên cứu trợ. “Việc tiếp tục các hoạt động quân sự ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa có nguy cơ gây ra thêm nhiều thương vong”, bà nói.