Bí ẩn thành cổ Hòa Bình:

Phế thành bên quốc lộ

ANTĐ - Một ngôi thành cổ nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Nội và Hòa Bình bị bỏ hoang phế bao đời nay. Sự bào mòn của thời gian cùng bao thăng trầm, biến thiên dâu bể  tàn phá khiến ngôi thành chỉ còn trơ lại hai chiếc cổng vòm cùng bao bí ẩn chôn sâu trong đó...

Ngoài cổng thành được xây bằng gạch thì tường thành 
chủ yếu được xây bằng đá ong

Sự tàn phá khốc liệt

Nằm trên địa phận xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình) tòa thành cổ rêu phong với lối kiến trúc độc đáo nằm ngay sát tỉnh lộ 424 giao nhau với đường Hồ Chí Minh không xa. Khảo sát một vòng, có thể dễ dàng nhận thấy ngôi thành có hình vuông có diện tích khoảng 40.000m2. Hiện tại, các cổng dẫn vào thành đều đã bị phá hủy chỉ còn lại cổng phía Tây thành là còn nguyên vẹn. Theo quan sát của phóng viên, cổng phía Tây được thiết kế, xây dựng khá đẹp và kiên cố với hình mái vòm cao khoảng 6m, rộng hơn 3m. Gạch sử dụng để xây thành có màu đỏ, phía dưới nền là gạch có độ dày hơn nhưng cùng có kích thước 24x24 cm. Phía trong cổng thành được gắn những mộng đá khá lớn có thể được sử dụng để nâng đỡ, chốt giữ cửa gỗ to, nặng.

Tại khu vực cổng phía Nam thành (nằm ngay sát tỉnh lộ 424) được xây cùng loại gạch và kích thước nhưng phần mái vòm đã bị hư hỏng, chiều cao phần chưa đổ vỡ của chân cổng thành chỉ còn khoảng hơn 2m. Phía trên tường thành cây cỏ mọc um tùm càng khiến cho ngôi thành trở nên thâm u, kỳ bí.

Nhiều người dân ở đây cho biết, cổng phía Bắc đã bị phá hủy từ lâu nên hiện nay chỉ còn lại dấu tích là hõm đất nhỏ. Anh Lương Đình Thái (39 tuổi), người đang thầu lại diện tích đất bên trong thành cổ để canh tác cho biết, vị trí cổng phía Bắc có thể nằm ngay phía sau vườn của gia đình vì trước kia, khi đào móng làm nhà có phát hiện đá ong được lát khá bằng phẳng phía dưới cách mặt đất không sâu lắm. 

Đặc biệt, các cụ cao niên tại xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết cách đây vài chục năm, xung quanh tường thành được xây dựng bằng đá ong đều còn khá nguyên vẹn và chắc chắn. Tuy nhiên, sau này đã bị một số người dân cạy đi để đem về xây nhà cửa, chuồng trại nên hiện tại chỉ còn dấu vết của chân thành bằng đất cao hơn hẳn so với xung quanh.

Cụ Nguyễn Thị Líu (82 tuổi) người thôn Bá Lam 2 (Cao Thắng, Lương Sơn, Hòa Bình) khẳng định, cổng phía Đông thành mới bị phá hủy từ những năm 1960 bởi trước đó thành cổ này vẫn còn 3 cổng thành phía Tây, phía Nam và phía Đông. Cũng theo cụ Líu, trong thành cổ khi đó vẫn còn tồn tại dấu tích của vài dãy nhà, trong đó có ba dãy nhà chạy song song theo hướng Đông - Tây, quay mặt phía Nam. Mỗi nền nhà có diện tích khoảng 100m2 với gần 10 chân cột. 

“Chứng nhân” của lịch sử

Khảo sát thực tế tại khu vực này cho thấy khu thành cổ được xây dựng tại một vị trí khá đặc biệt xung quanh thành là hào nước và núi non bao bọc. Mặt phía Bắc của thành đắp dựa vào sông, còn ba mặt đều là hào nước nhân tạo khá rộng và hiện tại toàn bộ hào nước quanh thành đã được cắt chia để nuôi cá.

Không chỉ có kiến trúc và vị trí đặc biệt, khu thành cổ này còn được người dân trong khu vực xem là “chứng nhân” duy nhất chứng kiến biết bao biến cố của lịch sử vùng đất này. Theo ông Trần Văn Sản, nguyên cán bộ coi kho của kho xăng dầu cho biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì khu thành cổ này là vị trí được bảo vệ nghiêm ngặt của quân đội do toàn bộ những thùng xăng dầu phục vụ cho chiến trường được chuyển vào trong thành và chôn sát dưới tường thành để tránh bom Mỹ. 

Đặc biệt thời Pháp thuộc, khi quân Pháp kéo về lập đồn bốt tại khu vực Xuân Mai - Chợ Bến thì khu vực thành cổ này là địa điểm để người dân lánh nạn. Đến những năm 1951-1952, khi quân ta mở “Chiến dịch Hòa Bình” thì khu vực này là nơi diễn ra những trận đánh giằng co giữa ta và địch. Khi đó, quân Pháp chết rất nhiều và chủ yếu là lính Tây đen nên khu vực thành cổ được biến thành khu nghĩa địa chôn giặc Pháp và sau này mới được chuyển đi hết và khu vực nghĩa địa này đã được người dân san lấp để trồng cây.

Kết hợp những gì thu thập được trong chuyến khảo sát thực tế cũng như nhiều người dân xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình) nhận định, thì ngôi thành cổ này được xây dựng ở một địa thế quan trọng xung quanh có địa hình hiểm yếu với sông và núi bao bọc ở phía Bắc và phía Đông, lại có tường cao, hào sâu xung quanh nên rất có thể đây một căn cứ chiến lược quân sự, án ngữ con đường độc đạo từ phía Nam vào Hà Đông và Hà Nội trước đây.

Phế thành bên quốc lộ ảnh 2
Gốc tích của ngôi cổ thành ở xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình) vẫn là điều bí ẩn 
cần các nhà khoa học giải mã

Những truyền thuyết ly kỳ

Để lần tìm gốc tích của ngôi thành cổ nằm trên địa bàn xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình), chúng tôi đã nhiều lần đi điền dã, gặp nhiều nhân chứng với mong muốn có được câu trả lời thỏa đáng nhất. Tuy nhiên, trong tất cả những lần đi thực địa đó tên gọi cũng như gốc tích của ngôi thành cổ  vẫn có nhiều điều khó hiểu. 

Cũng theo cụ Nguyễn Thị Líu, các cụ ngày xưa đều nói lại nó là thành cổ có từ thời nhà Mạc và không rõ là do ai xây dựng, xây dựng như thế nào, trong thời gian bao lâu? Về mục đích sử dụng của ngôi thành, cụ Nguyễn Thị Líu cho biết, khi nghe người xưa kể lại thì nơi đây sử dụng làm chỗ nhốt tù binh và việc xây thành ở vị trí hiểm yếu với tường cao, hào sâu có thể là nhằm ngăn chặn việc cướp tù và tránh cho tù nhân không thể bỏ trốn được.

Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết khác về gốc tích ngôi thành cổ này nhưng không phải xây từ thời nhà Mạc mà có từ thời Nguyễn đời vua Gia Long và tên gọi là thành Tỉnh Đạo. Theo đó, trước đây có một vị tướng quân thời Tây Sơn tên là Đinh Công Bản. Sau khi Nguyễn Ánh đánh dẹp nhà Tây Sơn, hai cha con ông chiêu mộ binh lính, đào hào, đắp thành để bảo toàn lực lượng. Sau này khi thất thủ do bị đánh úp, vị tướng quân bị bắt đem đi và thành Tỉnh Đạo bị bỏ hoang từ đó”. Hiện ông được coi là Thành hoàng của làng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Thắng (Lương Sơn - Hòa Bình) khẳng định rằng trong sử sách cũng như giấy tờ tại địa phương lưu giữ cũng không có bất cứ tư liệu nào nói về ngôi thành cổ này cả. 

Đã có khá nhiều đoàn công tác về khảo sát kiểm tra, tìm hiểu đánh giá về ngôi thành cổ trên địa bàn xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình). Đặc biệt trong đó Bảo tàng tỉnh Hòa Bình rất quan tâm tới nguồn gốc của ngôi thành cổ này và đã nhiều lần thành lập đoàn công tác xuống thực địa tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu về ngôi cổ thành này và lên kế hoạch bảo tồn. Lần khảo sát gần đây nhất của Bảo tàng Hòa Bình là cuối năm 2012, nhằm tìm ra nguồn gốc tên gọi, chủ nhân của ngôi thành này và tìm hiểu những giả thuyết về nguồn gốc lưu truyền trong nhân dân. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Trong thời gian tới, nhằm tìm ra nguồn gốc của ngôi thành cổ, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lập kế hoạch đề xuất với các cơ quan chức năng để tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực thành nhằm lấy tư liệu và tìm ra những bằng chứng khoa học về nguồn gốc của ngôi thành này”.

Trong chuyến khảo sát thực tế tại ngôi thành cổ trên địa bàn xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình), Tiến sĩ Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định: Căn cứ vào việc quan sát vị trí địa hình xung quanh cũng như kiến trúc xây dựng thì rất có thể ngôi thành cổ này là một trại binh khá lớn, được xây dựng để sử dụng vào mục đích quân sự trước đây. Ngoài ra, thành có kiến trúc khá đặc biệt là cổng thành được xây bằng gạch nung trong khi đó tường thành lại xây bằng đá ong chứ không phải gạch. Điều này có thể lý giải bởi đá ong là thứ nguyên liệu phổ biến và dễ tìm tại khu vực này , chỉ cần đào sâu xuống dưới lớp đất đồi là có, khi gặp không khí sẽ khô cứng lại rất nhanh. Từ đó cho thấy ngôi thành này được xây dựng với một khoảng thời gian sao cho ngắn nhất nhưng cũng phải hiệu quả nhất.