Phê bình văn học: Đừng nhăm nhăm vạch vòi...

ANTĐ - Đã không ít tác giả, tác phẩm vừa ra mắt đã bị dập vùi tơi tả. Đã có nhiều bài được gọi là phê bình văn học, tác giả không hề tập trung phân tích tác phẩm dưới góc độ học thuật mà chỉ nhăm nhăm vạch vòi cái mà họ gọi là “thói hư tật xấu” của tác giả. Và trước những bài viết như thế, người ta lại đặt câu hỏi, các nhà phê bình chuyên nghiệp nay ở đâu?
Phê bình văn học: Đừng nhăm nhăm vạch vòi... ảnh 1
“Cánh đồng bất tận” - câu chuyện đầy xúc động của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
từng bị đánh giá là “nói xấu quê hương”


Đưa nhà phê bình vào... sách đỏ

Trong một cuộc hội thảo được tổ chức gần đây, PGS.TS. La Khắc Hòa sau khi phân tích đủ mọi lý lẽ thiệt hơn về nghề phê bình văn học, ông đã cay đắng “báo động”, chỉ cần vài năm nữa thôi, khéo chẳng còn ai làm lý luận - phê bình, và khi ấy, hoạt động này sẽ trở thành nghề cần đưa gấp vào “sách đỏ” để bảo vệ. Ngoài những dẫn chứng cho thấy nghề phê bình văn học ngày càng nghiệp dư và thụt lùi thì vị Phó giáo sư này cũng đưa ra những ví dụ cụ thể về việc “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Mất 2 tuần, ông  dịch xong một tiểu luận của R.Barthes. Sau khi một tờ báo chuyên về văn chương in, ông được trả 400.000 đồng nhuận bút. Thêm nữa, cả năm trời, khảo sát đủ tư liệu, tìm đủ chứng lý để viết thành bài nghiên cứu tử tế dài hơn 30 trang, đem in trên Nghiên cứu văn học rất sang trọng, thì cũng chỉ nhận được 500.000 đồng nhuận bút.  PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học Việt Nam) cũng ngao ngán bởi nghề chẳng nuôi đủ thân, bà bảo nghề này “lỳ đòn mới chịu được” bởi đụng chạm, đôi khi chỉ vì một chữ thôi cũng “gây thù chuốc oán”. Ai chẳng thích khen, tuyệt nhiên không có ai vui vẻ chấp nhận chuyện bị chê vỗ mặt bao giờ, nhất là văn chương. Vì thế, người khôn thì phải tìm đường tránh. Mỗi một giai đoạn văn học, có được 5-7 nhà phê bình có kiến thức thật sự đã là thành công lắm rồi.  

Thiếu chuyên nghiệp, thừa hệ lụy

PGS.TS. La Khắc Hòa thừa nhận, chúng ta đang thiếu sự tham gia của giới lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Nghề gì cũng cần sự hỗ trợ của hoạt động nghiệp dư, nhưng một nền lý luận - phê bình văn học lấy hoạt động nghiệp dư thay thế cho hoạt động chuyên nghiệp thì lại là chuyện không bình thường và tình trạng ấy chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ luỵ. Rõ ràng ai cũng nhận thấy phải chuyên nghiệp, nhưng làm thế nào để “chuyên nghiệp thật sự” trong khi chẳng ai sống được bằng nghề rõ ràng là một câu hỏi khó có câu trả lời. PGS.TS Lưu Khánh Thơ lại cho rằng, có phê bình chuyên nghiệp nhưng chưa rộng, chỉ hạn chế ở một vài cơ quan nghiên cứu. Những năm 30 của thế kỷ trước, ở Pháp đã chia ra 3 loại phê bình: Phê bình chuyên nghiệp, phê bình nói và phê bình của các nhà sáng tác. PSG.TS Lưu Khánh Thơ nhận định, sự phân chia này nhấn mạnh chuyên nghiệp bộc lộ khả năng khám phá giá trị nghệ thuật kết hợp khả năng cảm nhận. Tính chuyên nghiệp là cơ sở chính của văn học, thế nhưng hạn chế lớn nhất là kiểu viết kém hấp dẫn, khô khan và kinh viện, trong khi phê bình của nhà sáng tác lại có sức hấp dẫn riêng, ví như cùng trong tâm thế sáng tác, hiểu chuyện “bếp núc”, lối viết tung tẩy… Và đương nhiên những bài phê bình dạng này cũng đầy cảm tính, yêu thì khen, ghét thì chê lấy được…

Nhà phê bình văn học Văn Chinh lại có nỗi bức xúc khác, ông cho biết, chưa kể đến hàn lâm xa vời, ngay cái áp sát đời sống văn học cũng hầu như không thấy bóng nhà phê bình đâu? Ông kể, từng có lần do bức xúc quá mà phải nói thẳng ra rằng: “Không ai thù ghét văn học bằng những nhà phê bình văn học đương đại”. Sau này khi nhìn lại, chính Văn Chinh cũng thừa nhận, đây hiển nhiên là nhận xét không chính xác, nhưng có lẽ nạn phung phí và ghẻ lạnh với tài năng là một sự thực? Ví như, 13 tác phẩm được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam không có nổi một bài phê bình cho đến khi có ý kiến thiếu xây dựng được công bố trên mạng; nhiều tác phẩm được Giải thưởng năm 2010 - 2011 của Hội cũng không có một bài phê bình nào, cho đến khi Hội phải mở các cuộc hội thảo và báo Văn nghệ phải đặt bài. Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị bày tỏ quan điểm, ai cũng biết văn học có thể mổ xẻ những vết thương đau, nhưng văn học sinh ra còn để gieo cấy trong tâm hồn con người niềm lạc quan vào cuộc sống. Viết về tiêu cực đối với một ngòi bút có thái độ và tư tưởng của người trong cuộc khác với cách viết dửng dưng, đứng ngoài cuộc hoặc có ý đồ xấu. Tiếc thay, trên mặt báo ít thấy những bài phê bình văn học có tính chiến đấu, có tính tư tưởng, có tính xây dựng mà chỉ thấy nhiều bài giới thiệu sách nhợt nhạt hoặc tung hô vô căn cứ, quảng cáo cho nhau một cách tùy tiện. Chất lượng của những bài viết như vậy hiển nhiên là không cao và hiệu quả của chúng có khi là ngược lại. 

(Còn nữa)