Phê bình mỹ thuật lao đao vì... thói tật

ANTD.VN - Khen, chê vẫn là chuyện thường xảy sau mỗi kỳ cuộc của giới mỹ thuật. Nhưng khi đã đặt bút viết thành bài, thành sách và mang trọng trách của nhà phê bình mỹ thuật thì việc khen chê cũng cần được tác giả nhìn thấu đáo, tránh sa vào các thói tật của giới phê bình như giáo điều, quy chụp, trục lợi, xu nịnh…

Phê bình mỹ thuật lao đao vì... thói tật ảnh 1Phần lớn tác phẩm phê bình mỹ thuật đương đại hiện giờ ít tính chiều sâu tư duy, triết lý 

Phê bình mỹ thuật bị bỏ rơi

Nhà phê bình mỹ thuật nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung được hình tượng hóa bằng hình ảnh “người cầm roi ngựa”. Cái roi ấy đã có khi làm cho “con ngựa” phi nước đại, nhưng cũng có khi làm cho “con ngựa” dừng chân. Quan trọng là vậy, nhưng trong bối cảnh ngày nay, phê bình mỹ thuật gần như đang bị bỏ rơi với chế độ nhuận bút bèo bọt, các hội đồng nghệ thuật chấm giải thưởng hoàn toàn không có vai trò của nhà phê bình mỹ thuật, chính sách đãi ngộ đối với ngành phê bình mỹ thuật  thì tùy hứng. Chính vì vậy, lực lượng làm công tác nghiên cứu phê bình mỹ thuật rất mỏng và chưa có những công trình, lý luận, phê bình tầm cỡ. 

Thay vì xuất hiện các bài viết có tính nghiên cứu độc lập, thời gian qua, công chúng đã bị “tung hỏa mù” bởi các bài viết phạm vào các thói tật trong phê bình bằng lối viết tâng bốc hết lời về giá trị nghệ thuật của ai đó, khiến cho không ít người không có cơ hội diện kiến tác phẩm đã tưởng nghệ sỹ này là một tên tuổi lớn.

Lối phê bình thiếu lý thuyết, thuần sự hoa mỹ của ngôn từ còn đẩy công chúng vào những ngộ nhận không biết đâu là nghệ thuật, đâu là phi nghệ thuật. Người ta có thể bắt gặp muôn hình vạn trạng của thói tật phê bình như sính chữ, giáo điều, nghe hóng, quy chụp, nhân danh… Các thói tật này bùng phát là bởi các giá trị đạo đức bị lung lay, môi trường hoạt động nghề nghiệp thiếu lành mạnh… Điều đó còn dẫn tới hệ lụy, phê bình mỹ thuật Việt Nam đang có xu hướng tụt hậu do các nghệ sỹ đã bỏ qua lý thuyết, lý luận, hớt ngọn và đi tắt đón đầu. Do vậy, khoảng thời gian sáng tác sung sức khá ngắn, tác phẩm ít tính chiều sâu tư duy, triết lý. 

Cần sự trung thực trong đánh giá

Theo nhà phê bình Phạm Quốc Trung, Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại - Viện Mỹ thuật Việt Nam: “Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi, hướng về xu thế vật chất, tiêu dùng như hiện nay, nếu không có sự quan tâm nghiêm túc, thấu đáo, tầm nhìn chiến lược đối với tương lai văn hóa lâu dài của các cấp về quản lý văn hóa tầm vĩ mô, sự nâng cấp về chất lượng việc dạy và học thì sau 10 năm tới, hoạt động nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Việt Nam sẽ quay trở về trạng thái hoạt động tự phát vì thế hệ nghiên cứu, phê bình mỹ thuật lớp trước thì đã già, chán nản, mệt mỏi buông bút, còn thế hệ kế cận thì hoang mang, phân tâm trong trường văn, trận bút”. 

Phê bình mỹ thuật là một nghề vất vả và để thành công cần niềm say mê và môi trường lành mạnh. Một điều quan trọng nữa là nhà phê bình cần độc lập với nghệ sỹ. Đặc biệt, để tránh sa đà vào các thói tật trong phê bình mỹ thuật, nhà phê bình cần có sự trung thực trong đánh giá, cũng như sự trong sáng trong từng câu chữ. 

Xét cho cùng, thực tiễn sáng tác của mỹ thuật Việt Nam hiện đại trong bối cảnh công nghệ số đã dẫn tới các đổi thay đa dạng, phức tạp, đặt ra những yêu cầu đổi mới. Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung cảnh báo: “Nếu không đổi mới, kiện toàn được đồng bộ chất lượng nhân sự ở cả ba lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu lý luận và quản lý văn hóa nghệ thuật trong tương lai gần, thì nguy cơ tụt hậu về mặt văn hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực là điều cụ thể, trước mắt, chưa nói so với thế giới rộng lớn bên ngoài”.