Phê bình 14 bộ, 17 địa phương, 13 tập đoàn chưa nghiêm túc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

ANTD.VN -Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đến thời điểm vẫn còn tới 14 Bộ ngành, 17 địa phương và 13 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước chưa có chương trình hay báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, như vậy là không thực hiện nghiêm túc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp UBTVQH

Sáng nay, 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2017. Trình bày báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, trong thực hiện chủ trương này cũng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như.

Điển hình như: Không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và những tồn tại, hạn chế tại đơn vị mình; né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện,...

Thẩm tra về báo cáo này của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến trong Ủy ban nhất trí cho rằng, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Dù vậy, theo báo cáo thẩm tra, vẫn còn nhiều bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc công tác này.

Cụ thể, có tới 16/34 bộ, cơ quan Trung ương; 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho Bộ Tài chính.

Cùng đó, có 4/34 bộ, cơ quan Trung ương; 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận

Ngoài ra, việc quản lý thu, chi ngân sách, nợ công đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt; nợ đọng thuế còn lớn, có 19/63 địa phương thực hiện thu nợ thuế đạt thấp hơn so với chỉ tiêu được giao. Việc tinh giản biên chế chưa đáp ứng yêu cầu để tiết kiệm chi thường xuyên; Giải ngân vốn đầu tư còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất thấp, chỉ khoảng 41,2% dự toán…

Góp ý về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy cho rằng, giải ngân vốn đầu tư chậm, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, sẽ gây ra "lãng phí kép" khi dự án kéo dài không phát huy tốt hiệu quả đầu tư, trong khi vẫn phải trã lãi vốn vay. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng trần nợ công. 

Tiếp thu và trao đổi lại với ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày hôm nay sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những Bộ, ngành, địa phương chưa có Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị này.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội điều chỉnh lại các số liệu trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 cho sát, đúng, tuyệt đối không lấy số liệu của năm 2016.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tình trạng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đã có tiến bộ hơn so với 2016, song vẫn có tình trạng một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc.

Tình trạng lãng phí, thất thoát trong sử dụng tài chính công, nguồn lực công vẫn còn xảy ra. Ý thức trách nhiệm của một số cấp, ngành chưa cao, nhiều vụ việc vi phạm chưa được xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình 14 bộ ngành, 17 địa phương, 17 tập đoàn tổng công ty nhà nước đến thời điểm này chưa có báo cáo, như vậy là không chấp hành nghiêm túc. "Đây cũng là nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" - ông Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu xử lý kiên quyết hơn các trường hợp vi phạm, chỉ rõ “địa chỉ” trách nhiệm và công bố công khai các địa chỉ để lãng phí, thất thoát.