Phẫu thuật không cần dao mổ?

ANTĐ - Những cuộc “đại phẫu không chảy máu” bằng tay của 400 “chuyên gia” ở Philippines chỉ diễn ra trong 15 - 30 phút, bệnh nhân sau đó không cần điều trị hậu phẫu. Có một điều kỳ lạ là sau khi được mổ bằng tay, trên cơ thể bệnh nhân không để lại bất kỳ dấu vết hay vết trầy xước nào. Còn bệnh nhân không được gây mê mà hoàn toàn tỉnh táo. Chính điều này khiến người ta tò mò mỗi khi nhắc tới cách thức phẫu thuật này.

Mổ bụng bằng tay không!

Kiểu phẫu thuật tay không lần đầu tiên được giới thiệu tại Mỹ vào tháng 4-1960 bởi FATE, một tạp chí chuyên khám phá các hiện tượng kỳ bí, những chuyện tưởng như không thể có trong một xã hội hiện đại. Được giới thiệu với cái tên “phẫu thuật không chảy máu” trên tạp chí, phương pháp phẫu thuật này đã thu hút được nhiều chú ý. Ngay sau đó nó được một loạt các tạp chí khác đưa tin với tên gốc “Phẫu thuật kiểu bà đồng” hay “Nhà phẫu thuật không dao thần bí”. Lúc đó, cả Mỹ và châu Âu nhắc đến sự kiện này như một phương pháp chữa bệnh thần kỳ.

Những nhà phẫu thuật tay không nổi tiếng đầu tiên của Philippines chính là Eleuturio Terte sau khi chữa khỏi cho một viên sĩ quan Mỹ đang hấp hối. Một lần khác, ngay trước mắt một hội đồng chẩn bệnh của Thụy Sỹ, những nhà phẫu thuật này ấn tay thẳng vào mắt một bệnh nhân trong khi anh ta không hề cảm thấy đau đớn. 

Bí quyết của các “chuyên gia” là tập trung năng lượng siêu nhiên vào đôi bàn tay. Thường thì các “chuyên gia” sẽ rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, hai mắt nhắm nghiền và miệng thì lầm rầm các câu thần chú. Năng lượng siêu nhiên sẽ điều khiển bàn tay kiểm tra các bộ phận trên cơ thể người bệnh để phát hiện các vết thương, xương, sụn, sỏi và các thực thể khác trong cơ thể. Đôi khi tâm linh chỉ đạo bàn tay của “chuyên gia” xọc hẳn vào người của bệnh nhân để hút những mô bệnh. Những năng lượng siêu nhiên từ đôi bàn tay của chuyên gia có khả năng mở các mô giống cách các bác sĩ sử dụng dao mổ để làm việc đó.

Sau cuộc “phẫu thuật” và nhiều nghi lễ khác, cơ thể vẫn bình thường, chỉ riêng các mô bệnh là không còn dấu hiệu tồn tại. Sự tác động của năng lượng siêu nhiên loại bỏ mô bệnh, làm lành những tổn thương và sau đó làm sạch cơ thể.

Tiến sĩ Steller, chuyên gia vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Dortmund, Đức đã viết cả một tác phẩm về Terte, trong đó ghi nhận đã tiến hành hàng trăm phép phân tích và nghiên cứu về “những ca phẫu thuật không dao mổ”. 

Cũng theo Tiến sĩ Steller, các “chuyên gia” của Philippines có thể phẫu thuật bằng tay trần mà không cần thôi miên bệnh nhân, không cần gây mê hay gây tê, không bị đau và không hề bị nhiễm trùng. Đây cũng là luận điểm của bác sĩ người Nhật Isamu Kumura, người đã trực tiếp nghiên cứu máu lấy từ một loạt cuộc phẫu thuật của Terte và xác định đó chính là máu của bệnh nhân. Terte chết vào năm 1979 khi đã 80 tuổi trong một hoàn cảnh khá nghèo túng. 

Có một giả thuyết cho rằng, trong khu vực hòn đảo phía Bắc Philippines, xung quanh thành phố Bagio tồn tại một trường năng lượng rất mạnh nào đó. Điều đó giải thích vì sao các “chuyên gia” rất hiếm khi có khả năng phẫu thuật tại một nơi nào đó ngoài khu vực phía Bắc Luson và họ hầu như không có chút khả năng đặc biệt nào khi đi ra nước ngoài. 

Một giả thuyết khác cho rằng, khả năng thôi miên sâu của “chuyên gia” giúp tạo ra một trường sinh học đặc biệt, tập trung tại các đầu ngón tay và hoạt động tương tự nguyên lý của tia laser chia cắt các lớp mô. 

Còn theo một giáo sư y khoa Thụy Sỹ, “chuyên gia” mang một năng lượng đặc biệt, có thể truyền nó vào cơ thể người bệnh. Năng lượng này như một sóng vô tuyến tới được các khối u, “mở” chúng ra và đưa chúng ra ngoài lên lòng bàn tay của “chuyên gia”. Người được phẫu thuật không cảm thấy đau vì vết cắt do các ngón tay không chạm tới phần đầu dây thần kinh, còn bản thân việc phát xạ năng lượng sẽ giúp “khử trùng” cho đôi tay của “chuyên gia”. Ngay khi phẫu thuật kết thúc và trường sinh học biến mất, các tế bào mô sẽ trở lại trạng thái trước đây và ngay lập tức khép lại.

Thật hay giả?

Tuy nhiên, ngay tại nơi sinh ra “phẫu thuật ngoại cảm”, môn này đã bị phản đối kịch liệt. Hiệp hội Y tế Philippines coi đây là một trò lừa đảo nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Người ta giải thích rằng sở dĩ trò lừa bịp này tồn tại được là do một số trường hợp chữa khỏi bệnh do bệnh nhân bị ảo giác bệnh tật, hoặc bị bệnh nhẹ và cơ thể tự điều tiết. Tác dụng của “phẫu thuật ngoại cảm” không vượt ra ngoài việc “giải phẫu” (điều trị giả nhằm giải quyết vấn đề tâm lý cho bệnh nhân). Sau này người ta đã phát hiện ra những khối u mà “chuyên gia” lấy ra khỏi người bệnh trong các cuộc “đại phẫu” chỉ là những tạng của động vật mà ông ta đã chuẩn bị sẵn trong người và khéo léo móc ra như một trò ảo thuật. 

Thông tin về những “nhà phẫu thuật không dao mổ thần bí” tại Philippines đã gây xôn xao từ cả vài chục năm nay và cho đến nay vẫn chưa có ai đưa ra được lời giải thích chính xác về mặt khoa học.