Phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn nên bắt đầu từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), tuy nhiên mọi thứ vẫn đang ở bước khởi đầu. Vậy Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn được xem là động lực chính cho tăng trưởng trong giai đoạn tới này?

Những bước đầu tiên của AI và bán dẫn

Trung tuần tháng 3-2025, một sự kiện về AI và công nghiệp bán dẫn lớn diễn ra tại Việt Nam. Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và bán dẫn 2025” được tổ chức với chủ đề “Kiến tạo tương lai: Kết nối AI và công nghệ bán dẫn toàn cầu” diễn ra từ ngày 12 đến 16-3 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Sự kiện với sự có mặt của hơn 1.000 cấp lãnh đạo và chuyên gia này cũng quy tụ các tên tuổi lớn như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác từ Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) và nhiều quốc gia, nền kinh tế phát triển. Sự hội tụ của các “kỳ lân” công nghệ cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong lĩnh vực AI và bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đến tham dự sự kiện về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn tại Hà Nội tháng 3-2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đến tham dự sự kiện về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn tại Hà Nội tháng 3-2025

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Tài chính) cho biết, sự hỗ trợ của chính phủ và môi trường đầu tư cởi mở đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm mới nổi cho các tập đoàn công nghệ. Việt Nam đang đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi AI và bán dẫn là những trụ cột chiến lược cho sự phát triển. Theo ông Vũ Quốc Huy, AI và bán dẫn mang lại cơ hội đặc biệt để các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp vào tiến bộ công nghệ. So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế về vị trí chiến lược, lực lượng lao động chất lượng cao và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng cho hay, thời gian qua NIC tập trung phát triển các hệ sinh thái cho các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó có lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Nvidia, Meta, Google, IBM, Microsoft… để cùng thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ, chuyển dịch chuỗi sản xuất vào Việt Nam.

Ông Christopher Nguyễn - Giám đốc và đồng sáng lập Aitomatic (Hoa Kỳ) cho rằng, Việt Nam đang thực hiện những bước phát triển đầu tiên về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực này. Theo đó, cơ hội phát triển đến từ nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng là Việt Nam có quy mô thị trường trên 100 triệu dân, nguồn lao động dồi dào, lao động Việt Nam đa số là những công nhân lành nghề, trình độ cao. “Yếu tố địa chính trị ổn định, tập trung rất nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực AI và bán dẫn, đó là những lợi thế quan trọng để Việt Nam đạt được cơ hội bứt phá về AI và bán dẫn trong vòng 5 - 10 năm tới” - ông Christopher Nguyễn nhận định.

Đồng quan điểm này, bà Anna Goldie - chuyên gia cấp cao về nghiên cứu khoa học của Google cho hay, Việt Nam đang là một trong những nhân tố mới nổi, đóng vai trò tiên phong và dẫn dắt trong lĩnh vực AI và bán dẫn. “Dù tôi mới ở Việt Nam trong 2 ngày qua, nhưng tôi vô cùng ấn tượng với năng lượng mà người Việt Nam đặt vào lĩnh vực AI và bán dẫn. Đây chính là cơ hội để AI và bán dẫn có sự chuyển mình đáng kể trong khoảng thời gian 5 - 10 năm tới” - bà Anna Goldie khẳng định.

Ông Authony Annunziata - lãnh đạo Liên minh công nghệ toàn cầu gợi ý, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực AI và bán dẫn theo cả hướng nghiên cứu và thương mại.

Các đại biểu trải nghiệm tại sự kiện

Các đại biểu trải nghiệm tại sự kiện

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Vào tháng 12-2024, Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) đã ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) cùng một Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam… Sự xuất hiện của Nvidia và những tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội để phát triển ngành AI và bán dẫn. Hay SemiKong (mô hình AI mã nguồn mở vừa được giới thiệu đến cộng đồng công nghệ Việt Nam), mô hình tiên phong này giúp tối ưu hóa sản xuất chip là sự hợp tác giữa Aitomatic (Hoa Kỳ), Tokyo Electron (Nhật Bản) và FPT Software (Việt Nam).

Vượt qua rào cản

Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật tại Đại học Texas - Austin (1 trong 10 trường hàng đầu của Mỹ về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ) khi chia sẻ với báo chí về tiềm năng, thách thức phát triển công nghiệp bán dẫn và AI tại Việt Nam cho hay, hội nghị về AI và bán dẫn chính là cầu nối giúp Việt Nam khẳng định được tên tuổi nhiều hơn trên thế giới. Vì tại đó sẽ cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực này. Song về lâu dài, theo Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật, chính phủ vừa cần đẩy mạnh lĩnh vực này, vừa đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bởi vì AI và bán dẫn cần nhiều chi phí để đầu tư các trung tâm dữ liệu và tài nguyên. Sự đồng hành của chính phủ cần có trong tất cả các khâu như: Cam kết lâu dài từ chính phủ và có những chính sách hỗ trợ các trường đại học, doanh nghiệp để làm những công nghệ đột phá mới về AI và bán dẫn; sự đầu tư của chính phủ trong các chương trình đại học về AI và bán dẫn; sự đồng hành của chính phủ trong việc liên kết các trường đại học, các doanh nghiệp, đồng thời thành lập các chương trình đào tạo về AI và bán dẫn. Đây là 3 yếu then chốt giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp bán dẫn và AI. Cũng theo vị giáo sư này, hiện Việt Nam chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng, nhân lực tài năng trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp chưa có định hướng lâu dài để thể hiện sự vượt trội trong lĩnh vực này trên thế giới.

Theo Tiến sĩ Azalia Mirhoseini - chuyên gia đến từ Google DeepMind, bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng đối diện với những thách thức rất lớn trong phát triển AI và bán dẫn. Để vượt qua được các thách thức trên, Chính phủ Việt Nam nên tham vấn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để xây dựng, thiết kế các chính sách phát triển AI phù hợp thông qua hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chuyên gia này chỉ ra, startup Việt Nam là có quá nhiều thứ phải quan tâm dẫn đến phân tán nguồn lực. “Để phát triển AI và bán dẫn, các startup cần và cần xây dựng một lợi thế cạnh tranh riêng cho mình” - Tiến sĩ Azalia Mirhoseini nói.