Phát triển “nóng” thủy điện: Lợi năng lượng, tổn thương sinh kế, môi trường

ANTĐ - Phát triển “nóng” thủy điện đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ tới đời sống dân sinh, tới môi trường, đặc biệt, là những công trình thủy điện vừa và nhỏ. 

Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa dứt gây hoang mang cho người dân

Quan niệm sai lầm

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển đổi đất  rừng sang làm thủy điện. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành thực hiện việc chuyển đổi rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích gần 20.000ha. Tuy nhiên, chỉ có 8/29 tỉnh, thành trồng lại rừng sau chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện với diện tích 735ha, chiếm 3,7% tổng diện tích đã chuyển đổi. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, các dự án thủy điện góp phần giải quyết an ninh năng lượng cho xã hội nhưng người dân ở nơi ngập phải di dời, chịu tác động trực tiếp, đời sống khó khăn. 

Chỉ tính riêng các công trình thủy điện nhỏ, cả nước đã có khoảng 1.000 dự án, nằm tại 32 tỉnh, thành. Đáng nói, các dự án thủy điện do UBND tỉnh lập quy hoạch và phê duyệt, nên theo ông Nguyễn Vũ Trung, Phó trưởng phòng Đánh giá tổng hợp, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (ĐTM)- Bộ TN-MT, các dự án thủy điện nhỏ đều không có bước ĐTM. Thậm chí, cả những công trình thủy điện lớn được xây dựng trước năm 2005 (Luật Bảo vệ môi trường ra đời) cũng không có đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC). Trong khi đó, thủy điện vừa và nhỏ phá rừng và ảnh hưởng đến sinh thái nghiêm trọng hơn thủy điện lớn. Đánh giá về sự ra đời ồ ạt thủy điện nhỏ, Phó GS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, nước ta thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, nhưng đa số các công trình thủy điện vừa và nhỏ đều không có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du. “Đây là quan niệm sai lầm về mặt chủ trương và quản lý mà trách nhiệm từ phía các cơ quan Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp phê duyệt thiết kế, quy trình vận hành”.

Rừng Việt Nam giá rẻ bất ngờ!

Phó Giám đốc Sở TN-MT Tuyên Quang Nguyễn Hoàng Hải cho biết, ngay như thủy điện Tuyên Quang cũng không có đánh giá ĐMC dù đến nay đã đưa vào khai thác. “Những cái được của thủy điện mang lại về mặt kinh tế là rất lớn, nhưng hệ lụy sau đó cũng không phải nhỏ. Một phần do chủ đầu tư chỉ lo hoàn thiện công trình đưa vào sản xuất thu lợi, không quan tâm thấu đáo lợi ích của người dân, môi trường bị ảnh hưởng. Phần nữa là do những tác động mà thủy điện mang lại sau tích nước phát điện”, ông Hải nói. Theo đó, hơn 7.300ha đất bị thu hồi cùng 4.000 hộ dân đã phải di dời để làm công trình thủy điện này, nhưng 40% trong số đó trở thành hộ nghèo và cận nghèo ở nơi ở mới. Bởi vậy, không ít hộ đã quay về sinh sống trong vùng lòng hồ, bỏ nơi ở mới. Ông Hải cho biết: “UBND tỉnh Tuyên Quang đã 3 lần báo cáo lên Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư phải đánh giá ĐMC, cả 3 lần đều được ghi vào biên bản ghi nhớ, qua 2 thời Bộ trưởng nhưng đến nay vẫn chưa làm được”. Theo đó, kể từ khi thủy điện Tuyên Quang tích nước phát điện, vùng hạ lưu sông Gâm bị xói lở mạnh, hệ sinh thái ngày một nghèo đi, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, các giá trị văn hóa cũng bị tác động… 

Hay như tại thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang gây nhiều tranh cãi hiện nay. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường phản đối việc cắt rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên để làm thủy điện. TS. Lê Anh Tuấn, thành viên Ban Tư vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định, hai bản ĐTM của thủy  điện Đồng Nai 6 và 6A còn nhiều điểm cần phải xem xét lại. Để xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm ngập vĩnh viễn hơn 350ha rừng Cát Tiên, trong đó có hơn 50ha thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, TS. Lê Anh Tuấn nhận định: “Tôi nghi ngại về diện tích đất rừng bị ngập vĩnh viễn nếu xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ lớn hơn con số mà họ công bố. Hơn nữa, báo cáo ĐTM cũng không đưa ra diện tích hơn 370ha diện tích rừng bị mất mà chủ đầu tư sẽ phải trồng lại sẽ được bố trí ở đâu”. Thậm chí, TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, ĐTM cũng không đánh giá được sẽ có bao nhiêu người dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi thu hồi đất rừng, khi thay đổi hệ sinh thái. Đáng buồn, cũng báo cáo đưa ra, đối với thủy điện Đồng Nai 6 sẽ cần 460 triệu đồng để đền bù đất rừng; thủy điện Đồng Nai 6A sẽ cần 558 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi mét vuông rừng Việt Nam chỉ có giá 230 đồng. TS. Lê Anh Tuấn đặt câu hỏi: “Không lẽ giá trị đất rừng Việt Nam nói chung, tại khu vực Cát Tiên nói riêng lại rẻ đến vậy?”.