Phát triển hình tháp ngược

ANTĐ - Ngay sau quyết định của Bộ Giáo dục-Đào tạo tinh giản kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6 môn xuống còn 4 môn, giảm thời gian làm bài thi theo hướng gọn nhẹ, không gây căng thẳng, dư luận tỏ ra phấn khởi trước sự đổi mới này. Nếu phương án này là một bước tiến nhằm tiệm cận tới việc bỏ thi mà chỉ xét tốt nghiệp THPT thì thực sự đổi mới triệt để. Nếu vừa xét kết quả học tập lớp 12, vừa tổ chức một kỳ thi như mọi năm, thì khó có một kết quả đáng tin cậy. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục.

Một số hiệu trưởng trường THPT cho rằng, quy định mới của Bộ GD-ĐT về căn cứ xét tuyển tốt nghiệp dễ tạo nên xu hướng “làm đẹp học bạ”. Năm nay chỉ còn hai tháng nữa là tổng kết năm học, nhưng từ những năm sau, nhiều trường sẽ điều chỉnh theo hướng có lợi cho học sinh. Nếu lấy điểm tổng kết khối 12 năm ngoái làm mốc, chắc chắn điểm các năm sau sẽ tăng lên. Một phó giáo sư uy tín đưa ra dự đoán, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ đạt tỷ lệ đỗ tới 99,9%. Bởi vì, năm 2013 thi 6 môn bắt buộc, năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn.

Như vậy, chắc chắn năm 2014 “dễ thở” hơn năm ngoái nhiều. Trong khi đó, năm trước tỷ lệ đỗ đạt 98%, đương nhiên năm nay chí ít cũng phải đạt 99%. Theo phân tích của vị phó giáo sư, điều đáng nói là, năm ngoái, nếu trung bình một môn thi dưới 5 điểm, chắc chắn là trượt. Song, năm nay đã có điểm tổng kết lớp 12 “cứu nguy”. Bởi theo quy định công thức xét tốt nghiệp của Bộ, lấy điểm trung bình môn thi cộng với điểm tổng kết cuối lớp 12 rồi chia đôi.

Dưới góc độ ngành khoa học giáo dục, một chuyên gia nhận xét công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT hiện có ba nhược điểm lớn, đó là, không đảm bảo tính công bằng về chất lượng giáo dục; giảm nhẹ chức năng đánh giá của một kỳ thi phức tạp hóa; tạo thêm cơ hội cho “căn bệnh nan y” dạy thêm, học thêm. Nhiều giáo viên có thể lạm dụng quyền đánh giá, cho điểm thấp để ép học sinh đi học thêm môn của mình. Nếu thi tự chọn 2 môn và dùng điểm trung bình năm học lớp 12 để xét tốt nghiệp thì nhu cầu sửa học bạ sẽ khó tránh khỏi. Dư luận có thể cảm thông và chia sẻ với phương án mang tính “nước đôi” của Bộ GD-ĐT. Cải tiến, đổi mới có thể mang lại những kỳ thi đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao. Song, vấn đề đặt ra là, đây có phải là “cái sàng” đủ độ tin cậy để chọn lọc “đầu vào” các trường đại học, cao đẳng, học nghề?

Ủy viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, xu thế của các nước là lao động trình độ trung cấp ngày càng giảm, trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ lớn và trình độ đại học tỷ lệ ít hơn. Còn ở nước ta phát triển theo hình tháp ngược: đại học chiếm số lượng đông nhất, trung cấp thấp nhất, cao đẳng là chỗ trú chân. Cuối cùng thì cử nhân và kỹ sư, chưa ra trường đã lo thất nghiệp.