Phát triển du lịch Côn Đảo: Không nên ồ ạt bằng mọi giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, sân bay Côn Đảo cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh và khó có thể đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo hiện nay khi kéo dài đường cất/hạ cánh.

Kéo dài đường băng Côn Đảo phải đánh giá nhiều khía cạnh

Chia sẻ tại tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo, trải nghiệm thiên đường du lịch mới” do hãng hàng không Bamboo tổ chức vào chiều 12/9, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, nhu cầu đến Côn Đảo có từ nhiều năm nay là rất lớn và ngày càng tăng, tuy nhiên đường tới Côn Đảo còn nhiều khó khăn.

Hiện, để tới Côn Đảo có thể đi bằng tàu thường, tốc độ cao nhưng thời gian dài, nếu từ TP.HCM ít nhất 9 tiếng, từ Bà Rịa- Vũng Tàu xấp xỉ 4 tiếng trong điều kiện biển lặng.

Con đường thứ hai là đường hàng không, kết nối từ TP.HCM hoặc Cần Thơ. Từ 2011 đến đầu 2012 có hãng Air Mekong khai thác đường bay từ phía Bắc, nhưng Air Mekong đã đóng cửa.

Sân bay Côn Đảo chỉ đón được dòng tàu bay nhỏ

Sân bay Côn Đảo chỉ đón được dòng tàu bay nhỏ

Theo ông Cường, việc đáp ứng nhu cầu lớn còn gặp khó khăn, như phụ thuộc thời tiết và giá cả. Số lượng khách cũng hạn chế, như loại máy bay VASCO đang khai thác đường bay tới Côn Đảo từ TP.HCM hoặc Cần Thơ chỉ chở tối đa được 68 khách mỗi chuyến, trong đó hai ghế cho thợ máy kỹ sư để đáp ứng điều kiện an toàn.

Ngoài ra, sân bay Côn Đảo nằm ngoài đảo nên việc đầu tư đèn để khai thác ban đêm khó khăn, do điều kiện thời tiết, môi trường không cho phép khai thác 24/24h, nên chỉ phục vụ ban ngày. Để đạt được 24 chuyến bay đến Côn Đảo mỗi ngày là một sự cố gắng lớn.

Máy bay phản lực hiện đại Embraer E195 của Bamboo Airways vừa về tới sân bay Nội Bài để khai thác ba đường bay tới Côn Đảo tới đây

Máy bay phản lực hiện đại Embraer E195 của Bamboo Airways vừa về tới sân bay Nội Bài để khai thác ba đường bay tới Côn Đảo tới đây

Ông Cường cũng khẳng định, Vietnam Airlines và VASCO không tranh thủ độc quyền đường bay này mà do khó khăn nên sinh ra vị thế độc quyền bắt buộc.

Tuy nhiên, việc mở ba đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng và Vinh đi Côn Đảo của Bamboo Airways từ 29/9 tới đây sẽ đáp ứng nhu cầu tìm về cội nguồn của khách du lịch, hỗ trợ giải quyết vướng mắc về giờ cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng, giảm bớt khối lượng phí tổn về giờ đi lại, tiêu tốn xăng cho các chặng bay nối chuyến.

Trả lời câu hỏi tại sao không kéo dài đường băng của sân bay Côn Đảo, theo ông Cường, trước đó Tập đoàn FLC từng kiến nghị tới Cục Hàng không, Bà Rịa - Vũng Tàu để tập đoàn tài trợ mở rộng sân bay.

“Sân bay Côn Đảo cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh. Chúng ta không đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo hiện nay khi kéo dài đường cất/hạ cánh. Ngoài đáp ứng phương án di chuyển cho người dân và du khách, địa phương còn phải trăn trở về cơ sở hạ tầng du lịch. Các cơ quan môi trường cần phải đánh giá tác động môi trường khi kéo dài đường băng", đại diện Cục hàng không cho biết.

90% khách tới Côn Đảo là người miền Bắc

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Trần Hàng, năm 2019, Côn Đảo đón khoảng 420.000 khách du lịch.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, địa phương vẫn đón trên 235.000 lượt khách. Du lịch đóng góp 80% GDP cho địa phương.

Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam cũng cho rằng, với việc Bamboo Airways mở ba đường bay mới thẳng tới Côn Đảo thì khách đến sẽ còn nhiều hơn.

Nhưng nếu không giữ gìn thì vài năm nữa sẽ không ai tìm đến. Côn Đảo không phải là điểm đến lớn, nên tính đến sức chứa, đường bay... cần cơ quan quản lý Nhà nước nên có quy hoạch cụ thể".

"Tôi mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá, cần một số lượng đảm bảo", ông Đức nêu quan điểm.

Về lý do mở ba đường bay nối Hà Nội, Hải Phòng và Vinh tới Côn Đảo mà không phải là Đà Nẵng hay Quảng Ninh…, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho hay, từ khi thành lập Bamboo Airways, mục tiêu hãng hướng tới là kết nối các địa phương có ít đường bay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Khi nghiên cứu mở đường bay, hãng đã khảo sát loại máy bay A319 của Airbus để tìm cách hạ cánh tại Côn Đảo. Nhưng sau khi làm việc với Airbus và Cục Hàng không Việt Nam thì đi đến kết luận, phải kéo dài đường bay của sân bay Côn Đảo, điều này đã không thực hiện được, sau đó hãng đã nghiên cứu đến dòng máy bay Embraer E195 và thấy phù hợp.

Hơn nữa, theo thống kê của Cục Hàng không, 90% khách du lịch Côn Đảo là người miền Bắc, bởi nơi đây nổi tiếng với du lịch tâm linh. Đó là lý do hãng ưu tiên Hà Nội, Hải Phòng và Vinh - ba thành phố có dân số lớn.

Sáng 12/9/2020, Bamboo Airways chính thức đón máy bay phản lực hiện đại Embraer E195 đầu tiên mang tên Con Dao National Park (Vườn quốc gia Côn Đảo) gia nhập hãng, đưa Bamboo Airways trở thành hãng hàng không đầu tiên vận hành dòng máy bay hiện đại này tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam, có ba đường bay thẳng cùng lúc từ nhiều tỉnh, thành phố đến Côn Đảo.