Phát triển du lịch: Bỏ tư duy cạnh tranh, xây dựng đối tác liên kết bền vững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sáng nay, 19-11, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì Hội nghị Hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Hà Nội và các tỉnh thành phố. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 20 20 , Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết 9 chương trình hợp tác , phát triển du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chương trình liên kết được thực hiện ở 4 nội dung bao gồm: Phối hợp hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch; Phối hợp hỗ trợ khách du lịch và đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành.

Từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đi vào hoạt động, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa-du lịch các địa phương rất hiệu quả như: Chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”, “Ngày văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội”, “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”, Ngày Văn hóa Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội, Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang tại Hà Nội…

Đền Ngọc Sơn, Hà Nội

Đền Ngọc Sơn, Hà Nội

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương đã hợp tác xây dựng được những sản phẩm, tour du lịch mới như: chương trình du lịch kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình; Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch tổ chức khảo sát du lịch tại Ninh Bình, Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, An Giang và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Tổ chức chương trình khảo sát “Hành trình qua các Kinh đô Việt cổ” Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình - Phú Thọ - Hà Nội...Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động triển khai, xây dựng các sản phẩm du lịch kích cầu liên kết giữa Hà Nội và các địa phương và nhận được sự ủng hộ tích cực từ du khách.

Đầm Vân Long- Ninh Bình

Đầm Vân Long- Ninh Bình

Theo đánh giá của ông Trần Trung Hiếu-Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịth Hà Nội, thông qua các hoạt động, liên kết hợp tác hiệu quả, đã góp phần cho ngành Du lịch Thủ đô đạt được các kết quả tăng trưởng tốt cả về lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch.

Trong giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng bình quân 10,1%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế có mức tăng bình quân 21,2%/năm. Năm 2019, Hà Nội đã đón 28,945 triệu lượt khách, trong đó có 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch có mức tăng bình quân đạt 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trần Trung Hiếu, hiệu quả của hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch còn chưa xứng với tiềm năng liên kết vùng giữa các địa phương. Có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những khác biệt về lợi thế, sản phẩm giữa các địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều.

Thánh địa Mỹ Sơn- Quảng Nam

Thánh địa Mỹ Sơn- Quảng Nam

Xác định trọng tâm, giai đoạn tới, du lịch Hà Nội phải "phát huy hiệu quả vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất của khu vực phía Bắc, gắn kết chặt chẽ với các chuỗi sản phẩm trong vùng, cả nước, và quốc tế", trong đó tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động liên kết có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) và các khu, điểm du lịch để tạo thành tour du lịch cụ thể kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước.

Ông Bùi Văn Mạnh- Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đánh giá cao vai trò đầu tầu trong liên kết phát triển du lịch thời gian qua của Hà Nội, đã có nhiều tour tuyến kết nối giữa cố đô- thủ đô, qua sự kiện này, lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình hy vọng khởi động lại du lịch địa phương sau đại dịch. Chia sẻ thêm, ông Mạnh cho biết, tại Ninh Bình, có nhiều hộ gia đình bỏ ra số tiền lớn, đầu tư homestay và bây giờ mong từng ngày có khách. Nếu tình cảnh dịch bệnh trên thế giới còn nhiều biến động như hiện tại thì trong sáu tháng đến một năm nữa chắc chắn có nhiều cơ sở nhỏ ở Ninh Bình phải đóng cửa.

Làng gốm cổ Bát Tràng- Hà Nội

Làng gốm cổ Bát Tràng- Hà Nội

Khoảng tháng 3 đến cuối tháng 4, Ninh Bình dự kiến tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021, hy vọng sự kiện này sẽ khôi phục được du lịch Ninh Bình. Việc kết nối giữa các tỉnh thành sẽ được triển khai tốt hơn ở tất cả các góc độ liên kết tuyến đường, liên kết sản phẩm. Bởi lẽ, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Bản chất để phát triển du lịch không phải là cạnh tranh, nếu không hợp tác rất khó phát triển.

Ông Dương Hoàng Vũ, Phó giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cũng khẳng định, thời gian qua Nghệ An là một trong những tỉnh thành phố có liên kết hợp tác tương đối toàn diễn với Hà Nội. Không chỉ ở liên kết sản phẩm du lịch mà còn trong cả công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Du lịch Việt: Muốn phát triển là liên kết không phải là cạnh tranh, muốn đi xa phải đi cùng nhau

Du lịch Việt: Muốn phát triển là liên kết không phải là cạnh tranh, muốn đi xa phải đi cùng nhau

Ông Lê Ngọc Tường- Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam cho biết, năm 2019, Quảng Nam đón 7 triệu lượt khách, trong đó 50% là khách quốc tế. Kết quả này có sự đóng góp của liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh thành. Đánh giá cao, song ông Lê Ngọc Tường cho rằng, việc liên kết chưa tương xứng tiềm năng lợi thế, đặc biệt là từ sau Covid-19, thêm nữa, từ lâu nay chúng ta dành sự quan tâm nhiều cho du khách quốc tế mà chưa quan tâm đúng mức thị trường trong nước. Hy vọng thông qua các hoạt động này, việc kích cầu nội địa phải được tổ chức thường xuyên và xây dựng được hệ thống cơ chế liên kết vùng, cơ chế nguồn lực vùng… với các điều khoản cụ thể.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cần có quy chế liên kết, các địa phương luân phiên nhau làm trưởng nhóm liên kết. Song, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nói thêm, điều này để thực hiện được tương đối khó khăn vì các tỉnh có chức năng nhiệm vụ độc lập, nguồn ngân sách độc lập, nên khi liên kết cơ chế điều phối ko đồng đều. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh,đây là trăn trở của Tổng cục Du lịch.

Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng, nhiều liên kết đang mang tính hình thức, chưa thực chất hiệu quả. Liên kết phải được trực tiếp thực hiện bởi các doanh nghiệp, liên kết sản phẩm cùng chương trình cụ thể, giá cả cụ thể.