Phạt tới 3 triệu đồng người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Nghị định 14/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ 20-4 nêu rõ mức phạt lên đến 3 triệu đồng đối với người đánh đập chó mèo.

Nghị định 14/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2017/NĐ-CP, Nghị định 64/2018/NĐ-CP. Về mức phạt với vi phạm về đối xử nhân đạo với vật nuôi, Khoản 1 Điều 29 Nghị định này quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi: Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Mức phạt tiền trên được áp dụng với cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.

Từ 20-4, hành vi đánh đập hành hạ chó mèo sẽ bị phạt nặng (ảnh minh họa)

Từ 20-4, hành vi đánh đập hành hạ chó mèo sẽ bị phạt nặng (ảnh minh họa)

Trước đó, Luật Chăn nuôi 2018 cũng yêu cầu chủ vật nuôi phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, trong vận chuyển, giết mổ và nghiên cứu khoa học.

Chủ vật nuôi không được bỏ đói, phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh cũng như không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y.

Khi giết mổ, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ...

Ngoài quy định trên, Nghị định 14/2021/NĐ-CP còn nêu rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm về chăn nuôi là 1 năm trừ trường hợp vi phạm về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm có thời hiệu 2 năm.

Về hình thức xử phạt, Nghị định này quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Ngoài ra, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi…