Phạt tới 100 triệu đồng đối với người ở lại nước ngoài trái phép

ANTD.VN -Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng.

Doanh nghiệp không hoàn trả phí bị phạt tới 200 triệu đồng

Theo Điều 47 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, từ 15/4, người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng khác liên quan sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu có một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép khi hết hạn hợp đồng lao động; Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động; Sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.

Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền đối với các hành vi trên, người lao động sẽ bị buộc phải về nước. 

Xuất khẩu lao động khiến kinh tế của nhiều gia đình khấm khá hơn (ảnh minh họa)

Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp dịch vụ do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định… sẽ bị phạt tiền từ 150-200 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp dịch vụ vi phạm điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 180-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi như:

Sử dụng Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình…. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, doanh nghiệp còn có thể bị buộc đình chỉ hoạt động đến 6 tháng và khắc phục hậu quả.  

Trả lương NLĐ thấp hơn mức tối thiếu vùng bị phạt tới 75 triệu đồng

Đối với các vi phạm quy định về tiền lương, Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng; Không lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

Khi thay đổi hình thức trả lương, người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện; Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động; Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;

Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt tiền nếu trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm…theo một trong các mức:

Từ 5-10 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 người lao động; Từ 40-50 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Nghị định 28/2020/NĐ-CP còn quy định mức phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.