Phạt tiền vi phạm đạo đức: Không bù đắp được tổn thương

ANTĐ - Ngoại tình, cha (mẹ) nuôi cưới con nuôi, chung sống như vợ chồng giữa bố chồng (mẹ chồng) với con dâu (con rể)… sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Những quy định xử phạt mới khiến nhiều người đặt dấu hỏi: Sau khi bị phạt tiền, liệu “đạo đức” có quay trở lại, hôn nhân lại hạnh phúc? 
Phạt tiền vi phạm đạo đức: Không bù đắp được tổn thương ảnh 1

Hạnh phúc gia đình cần được gìn giữ bằng sự thương yêu, tôn trọng lẫn nhau 

(Ảnh minh họa)

Muôn mặt vi phạm đạo đức

“Vậy mua dâm có được gọi là ngoại tình không. Có bị xử phạt không?” - chị Trịnh Hoài Ly (Hà Nội) bức xúc. Chị đang phờ phạc trong bệnh viện, làm đủ các loại xét nghiệm máu sau khi phát hiện ra một việc kinh hãi: chồng chị thường xuyên đi mua dâm bên ngoài. Chị Ly kể, vợ chồng chị cưới nhau được 5 năm, cuộc sống hôn nhân yên ổn. Chồng chị luôn chu đáo với vợ con, không bao giờ nặng lời. 

Trong một tối tình cờ đi tìm nhà người quen, chị Ly bắt gặp chồng dừng xe ở góc đường, vẫy một cô gái lên xe. Điều khiến chị đau lòng nhất chính là hành vi khá quen thuộc của chồng mình, như thể anh ta đã làm việc này rất nhiều lần. Khi được truy hỏi, chồng chị cũng thừa nhận, thường đi mua dâm để xả stress. Chị Ly tá hỏa đi làm các xét nghiệm HIV, viêm gan B, khám phụ khoa… để xem mình có bị lây truyền các bệnh qua đường tình dục hay không. Chị Ly cho biết, chị chưa thể ly hôn vì con còn nhỏ, cha mẹ già nhưng chị thực sự muốn trừng phạt người chồng tha hóa. 

Còn chị Lê Thị Hoa (22 tuổi) đang dự định kết hôn với anh Bình hơn chị 17 tuổi, mà chị vốn gọi là “bố nuôi”. Chị cho biết, người đó vốn là bạn tri kỷ của bố chị. Do thân thiết như anh em nên khi sinh con, bố chị đã để anh Bình nhận chị làm “con nuôi”. Không may, chị được 10 tuổi thì bố mẹ bị tai nạn giao thông, mất cùng lúc. Anh Bình đã xin ông bà chị, nhận chị làm con nuôi rồi đưa về thành phố để nuôi dạy tốt hơn.

Cả đời chị đã biết ơn và yêu thương người đàn ông đó. Anh Bình cũng đã kết hôn một lần nhưng đã ly hôn. Sau khi rời nhà “bố nuôi” đi du học, chị đã thực sự nhớ thương “bố nuôi” như một người đàn ông. Về nước, chị giãi bày tình cảm và được anh Bình đón nhận. Chị và anh Bình đã ra Tòa từ bỏ mối quan hệ “bố nuôi - con nuôi” và dự định kết hôn.

Mối quan hệ của anh chị đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình hai bên. Nhưng anh chị vẫn quyết tâm đến với nhau. Nay lại nghe tin Chính phủ ra Nghị định xử phạt từ 1-3 triệu đồng với hành vi “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi”, người nhà anh chị càng phản đối dữ dội.

Họ cho rằng đến Nhà nước còn không thể chấp nhận hành vi loạn luân, phi đạo đức như vậy. “Chúng tôi đã từ bỏ quan hệ bố nuôi - con nuôi, giờ chúng tôi là người xa lạ, hơn nữa mối quan hệ của chúng tôi không ảnh hưởng đến lợi ích của ai, tại sao lại cấm, tại sao lại lên án. Có phải sau khi xử phạt cũng sẽ không cho tôi đăng ký kết hôn với anh ấy” - chị Hoa bức xúc. 

Quy “đạo đức” ra tiền

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú -  Giám đốc Công ty luật TNHH FANCI - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang, việc phạt tiền cho hành vi ngoại tình nói riêng hay các hành vi thuộc phạm vi “đạo đức” không có tác dụng ngăn chặn hay làm những người vi phạm sợ. Bởi các hành vi bắt nguồn từ tình cảm và văn hóa thì cũng chỉ có thể giải quyết bằng tình cảm và văn hóa. 

Còn ông Phạm Vũ Thiên  - Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cho rằng, việc phạt tiền các hành vi được xem là “vi phạm thuần phong mỹ tục”, đặc biệt là vấn đề ngoại tình (chung sống như vợ chồng với người khác) chẳng khác nào “quy ra thóc” cả yêu thương, luân lý. Làm thế khác nào bỏ ra 1-2 triệu lại “mua” được đạo đức trở về.

Đăng ký kết hôn càng không phải là “hợp đồng kinh tế” mà khi một bên đơn phương vi phạm thì phải bỏ tiền ra đền bù. Việc phạt tiền hay răn đe không làm vợ chồng hàn gắn tình cảm, “bù đắp” tổn thương. Đồng thời, việc tìm bằng chứng “chung sống như vợ chồng với người khác” là rất khó khăn, việc xử phạt cũng không dễ dàng gì. 

Theo TS Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), khi phải “luật hóa” các giá trị đạo đức, “phạt tiền” vi phạm đạo đức có nghĩa là nhiều giá trị tốt đẹp trong xã hội đang lung lay, còn nhà quản lý lại đang lúng túng, không biết tháo gỡ bằng cách nào. 

“Việc “quy ra thóc” các hành vi vi phạm quy định về kết hôn, các vi phạm đạo đức mà lại khó thực hiện hoặc thực hiện nhưng thiếu mục đích răn đe thì người làm luật cần cân nhắc. Những hành vi vi phạm về đạo đức có lẽ cần để trong mục “tuyên truyền giáo dục” chứ xử phạt cũng không ích gì. Còn khi đã xử phạt thì cần phải xây dựng chặt chẽ những điều kiện để “hiện thực hóa”, xây dựng cán bộ kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh” - ông Phạm Vũ Thiên cho biết.