“Phát quang”… văn bản

ANTĐ - Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015.

Đây là hai luật “xương sống” tạo dựng bộ khung của toàn bộ hệ thống đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong quá trình thực thi hai luật này là các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Một cuộc hội thảo về điều kiện kinh doanh và những thách thức đối với doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành đã lên tới gần 900 trang với khoảng 6.000 điều kiện cụ thể. Nếu tính đến các quy định về trình tự, thủ tục và thời gian cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh để có giấy phép, giấy chứng nhận thì phải gấp 5-6 lần số điều kiện kinh doanh này. Vị Viện trưởng cho biết, đó là chưa kể còn hàng nghìn công văn điều hành hàng năm gây rủi ro pháp lý, chi phí cao, thiếu cụ thể và nhất quán. Điều này tạo ra rào cản khi doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường, hơn thế, còn gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí làm thui chột sự sáng tạo, bởi vì làm khác và mới sẽ bị coi là không phù hợp, vi phạm pháp luật.  

Theo luật định, các bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Song, trong 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tất cả đều có điều kiện quy định bởi thông tư do các bộ ban hành. Một số chuyên gia chỉ rõ, hành vi trái thẩm quyền, trái pháp luật là rất rõ ràng, nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý. Trong khi đó, hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nghiệp và người dân vẫn âm thầm tuân thủ, không khiếu nại, thậm chí thờ ơ với việc góp ý, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hóa.

Đồng ý với nhận định trên, chuyên gia của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với các văn bản pháp lý như các quy tắc, tiêu chuẩn, hướng dẫn về điều kiện kinh doanh do các bộ, cơ quan ban hành. Các văn bản này tạo ra gánh nặng phi lý cho doanh nghiệp. Nghị quyết 19/CP vừa được Chính phủ ban hành đặt nhiệm vụ trọng tâm là đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Loại bỏ, “phát quang” văn bản pháp lý không phù hợp sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân làm ăn, kinh doanh thông thoáng, góp phần phục hồi kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng.