Phạt ngược HAGL: Bằng chứng của Ban tổ chức thiếu thuyết phục?

ANTĐ - Dù Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi khẳng định trọng tài đúng và Trưởng ban Kỷ luật VFF cũng đã ký quyết định phạt ngược HAGL thì dư luận vẫn râm ran về bàn thắng gây tranh cãi của Đình Tùng, trận Thanh Hóa thắng HAGL 2-1.

Tranh cãi về tính đúng sai trong quyết định của trọng tài chính Hà Anh Chiến, hay cụ thể hơn là Hoàng Đình Tùng có chạm tay vào bóng trước khi ghi bàn hay không, được mỗi bên lý giải một kiểu. Phía HAGL thì một mực cho rằng bóng đã chạm tay Đình Tùng, HLV của Thanh Hóa thì không đưa ra bình luận, nhân vật chính - Hoàng Đình Tùng thì phủ nhận, còn dư luận cũng chia làm 2 phe. Khi mà những tranh cãi (bằng miệng) giữa các bên không đi tới hồi kết thì băng hình được xem là bằng chứng có tiếng nói trọng lượng nhất.

Đó là lý do diễn ra cuộc "mổ băng" của Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật VFF vào chiều 13-7. Nhưng sự kiện này ngay cả khi kết thúc với kết luận của ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi: "Không có cơ sở để khẳng định bóng đã chạm tay Đình Tùng", cũng vẫn chưa xóa đi những tranh cãi.

Phạt ngược HAGL: Bằng chứng của Ban tổ chức thiếu thuyết phục? ảnh 1

Kết luận của Ban Trọng tài và ban tổ chức sau cuộc "mổ băng" chiều 13-7 không khiến HAGL tâm phục, khẩu phục

Nguyên nhân đầu tiên nằm ở chính phát biểu của ông Trưởng ban Trọng tài. Khi phóng viên ANTĐ đặt câu hỏi: "Tại sao không khẳng định bóng không chạm tay Đình Tùng", mà chỉ khẳng định: "Không có cơ sở khẳng định bóng đã chạm tay Đình Tùng", đã không nhận được phản hồi đủ thuyết phục từ phía người đứng đầu Ban Trọng tài.

Hỏi Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường - người trực tiếp tham gia "mổ băng", rằng: "Với kinh nghiệm chuyên môn lâu năm của mình, ông có khẳng định bóng đá chạm tay Đình Tùng hay chưa?", thì ông Hường từ chối trả lời với lý do: "Các thành viên cuộc họp thống nhất trao quyền phát ngôn về chuyên môn duy nhất cho anh Mùi (Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi-pv)".

Nhưng ông Hường có chia sẻ thêm: "Ở nước ngoài, ban tổ chức sân đặt tới hơn chục chiếc máy quay. Khi có sự cố, chỉ cần xem lại băng hình là ra ngay mọi chuyện. Còn ở mình, có sân chỉ đặt 2-3 máy quay, lại chỉ quay toàn cảnh nên nhiều tình huống cần xem chi tiết thì băng hình không nói lên được điều gì". Theo ông Hường thì cụ thể ở cuộc "mổ băng" tình huống bàn thắng của Đình Tùng, chỉ có tư liệu (góc máy đặt từ xa) của đài truyền hình và băng hình từ chiếc máy đặt sau cầu môn của ban tổ chức giải, không có góc máy đặt ngang hướng vào khu 5m50 khung thành HAGL.

Một góc quay khác về tình huống ghi bàn của Hoàng Đình Tùng (Nguồn: Youtube)

Cũng bởi chất lượng tư liệu băng hình kém, cộng việc các cuộc "mổ băng" của Ban tổ chức không công khai (mặc dù điều này tuân thủ theo quy định của FIFA) mà những kết luận sau đó từ người có trách nhiệm vẫn không khiến các bên "tâm phục, khẩu phục". Điều này một lần nữa cho thấy V-League chưa tương xứng với cái mác chuyên nghiệp đang mang trên mình.

Và cũng bởi những "kết luận thiếu thuyết phục" đó mà sau khi "lĩnh án", ông trưởng đoàn vẫn "có quyền" băn khoăn: "Tôi không hiểu sao khi xem băng Ban Trọng tài lại cho rằng bóng không chạm tay Hoàng Đình Tùng, dù tình huống chạm tay được thể hiện rõ ràng trên băng hình. Tôi mong rằng, Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật VFF hãy mạnh dạn công bố băng hình kỹ thuật mà họ đã xem để đi đến quyết định phạt chúng tôi để cho mọi người hiểu rõ trắng đen sự việc này".

Tất nhiên, người hiểu chuyện sẽ cho rằng lời đề nghị công bố băng hình sẽ chẳng được đáp ứng và bản thân người đề nghị cũng thừa hiểu điều này nhưng vẫn nói cho... sướng miệng.

Từ một tình huống tưởng như nhỏ nhưng đủ lộ rõ nhiều căn bệnh của một nền bóng đá!