Phát ngôn của Giám đốc đối ngoại Formosa: Thách thức, xúc phạm người Việt Nam

ANTĐ - Bất bình trước ý kiến của Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm về hoặc lựa chọn dự án thép tỷ đô, hoặc lựa chọn cá tôm của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là phát ngôn thách thức và xúc phạm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Xúc phạm, thách thức người Việt Nam:

Formosa nhận được quá nhiều ưu đãi của Việt Nam. Thứ nhất là họ được cho thuê đất đến 70 năm, vượt khỏi khung quy định của Việt Nam. Hai là họ đặt ống nước xả thải ra môi trường nhưng giám sát như thế nào thì quy định không rõ, mà chúng ta đều biết ngành thép gây ô nhiễm rất lớn nên các nước đều thận trọng. Ta đã cấp phép cho họ xả thải thẳng ra biển. Gần đây, họ lại nhập khẩu hóa chất độc hại về, vậy việc xả thải có được giám sát không? Hiện nay, công nghệ rất hiện đại, có thể gắn trang thiết bị cảnh báo gắn luôn ở đường ống, tự động báo động và nhiều nước đã công khai các chỉ số ô nhiễm, chẳng hạn như Singapore. Thêm nữa, tại sao đến bây giờ, sau bằng ấy ngày mà vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Cá chết do chất độc mà chất độc từ đâu ra? Điều đó cho thấy sự chậm chạp khó hiểu từ phía cơ quan quản lý.

Phát ngôn của Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm là không thể chấp nhận được. Cách đặt vấn đề như vậy đối với 1 đất nước có chủ quyền là vượt quá giới hạn của người nước ngoài ở Việt Nam. Ông đi đầu tư mà như đứng trên đầu người khác thì như vậy là xúc phạm, thách thức người Việt Nam. 

Phát ngôn của Giám đốc đối ngoại Formosa: Thách thức, xúc phạm người Việt Nam ảnh 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Dự án 10 tỷ USD cũng không thể so sánh với kinh tế biển của Việt Nam

Tôi thấy Giám đốc đối ngoại của Formosa nói tiếng Việt khá sõi chứng tỏ phát biểu của người này là thật. Nếu họ đã diễn đạt đúng ý cần nói, buộc Việt Nam phải lựa chọn, hoặc cái này, hoặc cái kia thì quá chủ quan, thiếu hiểu biết về nhận thức, về trách nhiệm, đặc biệt là với tư cách đại diện của doanh nghiệp lớn như Formosa.

Theo tôi biết thì tiêu chuẩn phát thải và trách nhiệm của Formosa được quy định khá rõ ràng trong các văn bản của Bộ Tài nguyên- Môi trường. Khi có vấn đề gì liên quan, họ phải dừng lại mà khắc phục, kiểm tra kiểm soát trên cơ sở pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ông Chu Xuân Phàm nói như thế là phủ nhận hết trách nhiệm, cam kết mà ông ấy được biết. Ông ấy tự đánh giá Formosa quá cao, 10 tỷ đầu tư của Formosa không thể bằng GDP hay kinh tế biển của Việt Nam, và đời sống của hàng triệu người Việt. Formosa đang là tâm điểm chú ý, các nước cũng đều theo dõi động thái của doanh nghiệp này tại Việt Nam nên trách nhiệm của doanh nghiệp này sẽ được các nước xem xét một cách nghiêm túc. Theo tôi, nếu đại diện Formosa phát ngồn sơ xuất thì cần xin lỗi, còn nếu nghiêm túc thì phải xử lý theo pháp luật.

Vụ việc cũng thể hiện lỗ hổng trong quản lý, ở chỗ ta chưa có cơ chế giám sát thường xuyên. Mỗi tháng sở Tài nguyên- Môi trường Hà Tĩnh đến lấy mẫu nước thải 1 lần duy nhất, còn tất cả do doanh nghiệp ấy tự làm, tự kiểm tra, lưu giữ và báo cáo. Thế nên, nếu họ có cãi mình cũng không có bằng chứng nào để đối chứng. Tháng 4 vừa rồi Sở Tài Nguyên- Môi trường Hà Tĩnh không được lấy mẫu nước thải, chắc do họ xả thải cực độc nên họ kiếm cớ không cho cơ quan quản lý vào lấy mẫu, mà chỉ lấy mẫu tháng 2, tháng 3. Lỗ hổng thứ hai là năng lực giám sát thẩm định của mình kém. Bao nhiêu bộ ngành, chuyên gia mà 3 tuần nay không tìm ra chất độc nào trong con cá nào.

Dự án chắc chắn không phải được dừng lại để hủy bỏ, cả chúng ta và doanh nghiệp đều mong điều này. Tuy nhiên, cần tạm ngưng để xem xét, cải tạo hệ thống xử lý chất thải nếu nguồn ô nhiễm từ đây. Nếu họ gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, họ phải đền bù thiệt hại một cách tương xứng.