Phát ngôn "90% người Việt Nam đang ăn gạo “bẩn” là hàm hồ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, phát ngôn trên báo chí, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.

Phát ngôn này ngay sau đó đã nhận được sự chỉ trích của dư luận, chuyên gia cũng như khiến ngành nông nghiệp bức xúc.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng, khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét hàm hồ, mang nặng cảm tính.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo

Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo vẫn được coi là điểm sáng với sản lượng xuất khẩu tới 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.

Việt Nam không phải "một mình một chợ" trong xuất khẩu gạo, chúng ta đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.

Hàng năm diện tích gieo trồng lúa của chúng ta chỉ dao động trong khoảng 7,3 - 7,4 triệu hecta nhưng sản lượng thóc lên tới 43,4 - 43,5 triệu tấn/năm, không chỉ đủ cho tiêu dùng và chế biến trong nước với 100 triệu dân mà mỗi năm còn xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, gạo Việt đã đến được nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

Điều đáng mừng hơn là, giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng được nâng cao, chứng tỏ sức cạnh tranh của gạo Việt ngày càng mạnh.

Có được điều đó là nhờ những năm qua, chúng ta đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Phải khẳng định, Việt Nam đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ.

Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ. Trong điều kiện vô cùng khó khăn do hạn mặn, thiếu nước, bão lụt nhưng chúng ta vẫn đảm bảo diện tích gieo trồng, sản lượng thóc theo đúng mục tiêu đề ra.

Quan trọng hơn là, người dân cũng có nhận thức đầy đủ về kỹ thuật canh tác sao cho an toàn, Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật cho nông dân như "ba giảm ba tăng", "một phải năm giảm" với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả.

Theo ông Cường, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận.

"Với diện tích sản xuất lớn như vậy, ở Việt Nam không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu, nói tóm lại không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên tôi khẳng định không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng.

Rõ ràng, gạo Việt đã đến được thị trường châu Á, châu Phi, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tức là rất nhiều phân khúc nhưng có một đòi hỏi chung của các thị trường là phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng ta đều đã vượt qua các yêu cầu của thị trường, các nước chấp nhận gạo Việt thì làm sao nói gạo Việt là gạo bẩn được”- ông Cường cho hay.